Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bánh bác - đặc sản tiến vua làng Giang Xá

Trang Lê - Ngọc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở làng Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức) có một loại bánh tương truyền được dùng để cung tiến vua chúa trong thời kỳ nhà Lý vào những dịp đại lễ.

Đặc sản có tên là bánh bác từ thuở xưa ấy hiện vẫn  được người dân nơi đây lưu giữ và sản xuất. 
Từ miếng bánh kỳ công…
Cái tên bánh bác ra đời từ chính những công đoạn quan trọng để làm ra bánh. Cụ Đỗ Phú Thủ (74 tuổi) - một trong những nghệ nhân làm bánh bác lâu đời nhất của làng cho biết, để làm ra một chiếc bánh bác thì “bác bánh” là công đoạn quan trọng nhất. Ở đó, người làm phải lật giở bột nếp trên chảo mỡ nóng…. bằng tay không.

Anh Đỗ Phú Cường đang thực hiện công đoạn làm bánh. Ảnh: Trang Lê

Để làm ra được một “tày” bánh bác ngon, người làm cần lựa chọn rất kỹ nguyên liệu, từ gạo nếp cái hoa vàng, gấc, đỗ xanh, tới đường nâu, mỡ thăn lợn, thậm chí là lá chuối và chiếc lạt buộc bánh. Gạo nếp sau khi ngâm 2 - 3 tiếng cho vào xay mịn, ép khô. Sau đó đem trộn một nửa số bột với gấc sao cho bột có màu như cà rốt tươi. Qua công đoạn “bác”, bột gạo nếp chín được tán mỏng trên mặt bàn đã trải lớp bóng kính cho nguội, phần bột trộn với gấc được trải bên dưới phần bột không trộn. Đậu xanh sau khi nấu chín được trộn cùng đường kính hoa mai, cán thành hình trụ với đường kính 3 - 5cm. Đậu xanh được dùng làm nhân sẽ được đặt sau cùng trên lớp bột bánh. Cuối cùng, người làm cuộn 3 lớp: bột gạo trộn gấc, bột gạo trắng và nhân đậu xanh thành hình như khúc giò và gói trong lá chuối. Để có được một “tày” bánh bác, người làm phải mất tổng cộng khoảng 5 tiếng. Nói vậy để thấy rằng, việc làm ra một miếng bánh bác ngon theo đúng phương thức truyền thống là không hề đơn giản.
... đến đặc sản quà quê
Tiếp chúng tôi ở đình làng Giang Xá, ông Nguyễn Tiến Sơn (62 tuổi) người đã có nhiều năm trong Ban bộ lễ của làng cho biết: Bánh bác có từ bao giờ đến nay không ai nhớ được. Nhưng từ khi ông 10 tuổi, hễ vào ngày 12/9 âm lịch hàng năm (được coi là ngày sinh của vua Lý Nam Đế và ngày xôi mới), gia đình ông và tất thảy hộ dân trong làng lại rậm rịch chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, gấc chín để làm bánh bác mang ra đình tế lễ. Dù đời sống của người dân có giai đoạn còn khó khăn, nhưng gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị cho được một mâm lễ tế trọng thị mà ở đó, bánh bác là món lễ không thể thiếu.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các tầng lớp Nhân dân, ngày nay, bánh bác được làm khá phổ biến, thay vì chỉ làm vào những dịp lễ, Tết. Tại làng Giang Xá hiện có khoảng 10 hộ sản xuất bánh bác hàng ngày để cung cấp cho thị trường. Anh Đỗ Phú Cường, một trong những người làm bánh bác để bán hàng ngày cho biết: Hiện, mỗi ngày gia đình anh làm 30 “tày” bánh (khoảng 300 chiếc bánh) để cung ứng cho thị trường. Việc tiêu thụ chủ yếu là bày bán tại nhà và nhận làm cho khách đặt. Việc làm bánh bác ngày nay cũng không còn mất nhiều thời gian như trước kia do người dân chuyển sang dùng các loại bếp từ, chảo chống dính cho công đoạn “bác bánh”. Để giữ được hương vị thơm ngon của loại bánh bác nổi tiếng này, anh Cường cũng như nhiều hộ làm bánh bác vẫn rất cẩn thận trong từng công đoạn, nhất là chọn nguyên liệu. Đáng chú ý, do không sử dụng chất bảo quản nên bánh bác chỉ giữ được lâu nhất là hai ngày.
Ngày nay, bánh bác vẫn được nhiều người làng Giang Xá sử dụng để cung tiến trong những ngày lễ, Tết. Người dân khắp nơi cũng có thể chọn mua về làm quà. Trải qua hàng trăm năm, đến nay bánh bác vẫn giữ được hương vị và vẻ đẹp ấn tượng, trở thành một đặc sản không lẫn với bất cứ thứ quà quê nào được tạo nên nhờ sức sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người dân trên mảnh đất Kinh kỳ.