Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng. Tráng bánh phải thật mỏng, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái. Những chiếc bánh thơm dịu, êm êm được dầm vào trong chén nước mắm nhỏ xíu xinh xắn rồi đưa lên miệng, ta sẽ thấy cả một sự kết hợp nhịp nhàng. Mùi thơm của bánh và nhân quyện lẫn cái vị chua cay mặn ngọt của nước chấm, lại thêm vài giọt tinh cà cuống nữa thì thật là tuyệt. Ngoài bánh cuốn Thanh Trì đã trở thành một đặc trưng của ẩm thực Hà thành, trên khắp các phố phường Thủ đô còn rất nhiều loại bánh cuốn làm say lòng thực khách. Đầu tiên phải kể đến bánh cuốn nhân thịt dân dã và được nhiều người ưa chuộng. Bột làm bánh là gạo được xay ướt nên rất mịn. Sau khi đã được làm chín bởi hơi nước, lá bánh sẽ được cuốn lại với nhân thịt, mộc nhĩ và nấm hương đã được làm chín. Sau đó người làm bánh sẽ dùng thanh tre chia bánh vừa cuốn đó ra làm 4 khúc ngắn hơn và bày vào đĩa. Những hàng bánh cuốn này xuất hiện nhiều tại phố Hàng Gà, Hàng Cân, Hàng Hành, Lương Văn Can, chợ Hàng Da nữa… Cái thú khi ăn bánh cuốn nhân thịt là sự nóng hổi, khi đưa lên miệng nếu không dè chừng là bỏng có ngày. Khác với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn thịt còn được điểm xuyết thêm một chút ruốc tôm trắng hồng trông đẹp mắt, ăn kèm với rau mùi và rau húng. Những người trẻ tuổi còn nhắc đến hàng bánh cuốn ở phố Bà Triệu với những khúc biến tấu mới mẻ. Từ bánh cuốn chay, bánh cuốn thịt, bánh cuốn tôm nấm, bánh cuốn trứng, rồi bánh cuốn với chả mực, lạp xưởng, ruốc, cà cuống... Vỏ bánh trắng phau, mỏng, mềm, nhân bánh cũng đầy đặn, đậm đà và điểm mới lạ, hấp dẫn. Không chỉ có thịt, mộc nhĩ như thông thường, bánh cuốn ở đây còn thơm thơm những mẩu nấm hương, bùi bùi những miếng tôm sú. Những biến tấu ấy không làm mất đi hương sắc của một món ăn thanh đạm, mà chỉ làm phong phú thêm nét văn hóa ẩm thực đa dạng đất Hà thành.