Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bánh đúc nóng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trời Hà Nội đón cái lạnh đầu mùa, mấy đứa bạn lại bảo nhau giá như mà được ăn bát bánh đúc nóng, để rồi cùng kéo nhau lên phố Lê Ngọc Hân để hít hà cái vị thơm lừng, khó quên.

Bánh đúc có lẽ ở vùng nào cũng có, dù tên gọi và cách chế biến đôi khi có khác nhau, như bánh đúc lạc, bánh đúc bột năng, bánh đúc mặn, bánh đúc ngô, bánh đúc nộm, bánh đúc mỡ hành, bánh đúc nước cốt dừa, bánh đúc hến, bánh đúc riêu cua…, nhưng bánh đúc nóng dường như đã trở thành một nét riêng của người Hà Nội. Trong chiếc bát nhỏ nhắn, thật hấp dẫn bởi khối bánh đúc dẻo quánh, trắng mịn đang sóng sánh trong lớp nước chan vàng óng, nổi bật phía trên là màu xanh của rau mùi thái nhỏ, màu đen lẫn nâu của thịt lợn băm xào mộc nhĩ, một chút hành khô phi vàng rộm. Bát bánh đúc thịt múc ra, nóng hôi hổi với hương thơm dịu ngọt mà thảnh thơi ngồi xì xụp trong những ngày đông se sắt khó lòng cưỡng lại.

Để làm được bánh đúc đạt yêu cầu phải mềm mà không dai, mịn láng, màu phớt vàng, phảng phất vị vôi. Vôi nhiều quá thì nồng nhưng không cảm giác được vị vôi không phải là ăn bánh đúc. Điểm nhấn của món bánh đúc nóng nằm ở muôi thịt, nước chưng. Thịt lợn nhất thiết phải nửa nạc nửa mỡ băm nhỏ đảo với hành củ cho dậy mùi, nêm mắm muối vừa đủ đậm, điểm thêm chút hành hoa cho đẹp mắt. Đặc biệt, không thể thiếu cái vị cay của ớt để vã mồ hôi giữa trời đông lạnh giá. Ăn xong bát bánh đúc ngon bao giờ miệng cũng còn thoang thoảng mùi vôi và vị ngọt đậm của thịt nơi đầu lưỡi.

Hà Nội bây giờ, bánh đúc nóng không nhiều, ngoài phố Lê Ngọc Hân, bây giờ người ta còn nhắc đến bánh đúc ở Trung Tự, bánh đúc Trần Bình Trọng, Kim Ngưu, Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng... Nhiều người cho rằng, người Hà Nội dù coi bánh đúc như một thứ ăn chơi, thơm thảo nhưng cũng không kém phần khó tính, chính vì thế họ tinh tế trong cách kết hợp các nguyên liệu để tạo nên vị vừa quen, vừa lạ, vừa dân dã nhưng cũng không kém phần thanh tao. Và không biết từ bao giờ, món ăn ấy thật "hợp" với tiết trời đông.