Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng tại Quốc hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đọc Báo cáo giải trình (xem toàn văn Báo cáo tại đây), Thủ tướng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội tại hội trường.

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn trả lời trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa Quốc hội,

Tôi cảm ơn 14 vị đại biểu Quốc hội đã có câu hỏi chất vấn. Tôi xin trình bày về từng nội dung chất vấn như sau:

- Về ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Thị Hiền

1. Đại biểu nêu: Tại kỳ họp này, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã đồng ý nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP và phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên là đại biểu Quốc hội, chúng tôi còn băn khoăn nếu không có giải pháp hữu hiệu thì lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

Tôi xin báo cáo như sau:

Việc tăng bội chi ngân sách nhà nước từ 4,8% lên 5,3% GDP cho năm 2013, năm 2014 và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 có làm cho lạm phát cao, có làm cho bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại không và có trả được nợ không. Đây là băn khoăn lo lắng chính đáng.

Thưa Đại biểu. Mục đích, ý nghĩa của việc tăng bội chi ngân sách và phát hành bổ sung thêm trái phiếu Chính phủ cũng như những giải pháp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý… đã được trình bày trong Báo cáo của Chính phủ ngay đầu kỳ họp, trong Báo cáo giải trình vừa mới trình bày của Thủ tướng Chính phủ (cả trang 3 và trang 4) và trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 cũng đã đề cập. Tôi xin không trình bày lại mà chỉ xin nhấn mạnh là nếu như chúng ta thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra thì mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014, 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7%, đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn là khả thi.

- Về chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng:

2. Nội dung chất vấn của Đại biểu nêu: tình trạng nợ đọng các nghị định, quyết định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh kéo dài nhiều năm làm giảm hiệu lực thi hành, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương của đất nước. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp của Chính phủ để khắc phục tình trạng này? (Đại biểu Ngô Văn Minh cũng chất vấn về nội dung này).

 Về chất vấn này, tôi xin trình bày như sau:

 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức rõ và luôn coi việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh theo Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng, ban hành các nghị định, quy định chi tiết để thi hành luật, pháp lệnh là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Chính phủ. Phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ đều dành thời gian để làm nhiệm vụ này. Khi cần thiết, Chính phủ tổ chức họp phiên chuyên đề để thực hiện riêng nhiệm vụ này - để thảo luận về dự án luật, pháp lệnh, thảo luận về nghị định, quyết định để thi hành luật, pháp lệnh.

Tình hình nợ các văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thi hành luật, pháp lệnh đã diễn ra nhiều năm. Tuy năm sau có tiến bộ hơn năm trước nhưng vẫn còn chậm. Từ đầu năm 2012, Chính phủ đã tập trung sức khắc phục hạn chế yếu kém này. Đến cuối năm 2012, còn nợ 27 văn bản là nghị định, quyết định của Chính phủ,  Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Đây là một bước tiến bộ, là mức nợ thấp nhất so với 10 năm trước. Nhưng vẫn còn là một khuyết điểm, một hạn chế yếu kém của Chính phủ.

Năm 2013, các luật và pháp lệnh có hiệu lực thi hành nhiều hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành tới 129 nghị định, quyết định quy định chi tiết thi hành 38 luật và pháp lệnh, tăng gấp đôi so với năm 2012. Riêng Luật xử phạt vi phạm hành chính phải ban hành tới 53 văn bản. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm thực hiện nhiệm vụ này. Đến hôm qua (20/11/2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về nội dung bàn giao với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới Nguyễn Văn Nên) thì đã ban hành được 110, còn nợ 19 văn bản. Năm 2013 mặc dù số văn bản phải ban hành tăng gấp đôi nhưng chỉ còn nợ 19 văn bản (năm 2012 nợ 27 văn bản). Chúng tôi cố gắng phấn đấu tới cuối năm, còn hơn một tháng nữa, sẽ ban hành hầu hết những văn bản còn lại, trừ một số văn bản khó ban hành và chưa thật là cấp bách.

Mặt khác, về chất lượng văn bản, từng bước đã được nâng lên và đã có nhiều tiến bộ. Nhưng vẫn còn một số điều quy định khi ban hành không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thiếu tính khả thi. Tuy chỉ là một số rất ít so với nhiều quy định đã ban hành nhưng gây bức xúc như đại biểu đã nêu.

Để khắc phục tình trạng nợ đọng và hạn chế về chất lượng văn bản, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo 4 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, coi đây là kỷ luật kỷ cương thi hành pháp luật. Từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cho đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội theo chương trình và xây dựng, ban hành nghị định, quy định trong phạm vi được phân công phụ trách là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên.

Thứ hai, kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ chuyên trách am hiểu về pháp luật để tham mưu giúp cho đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng làm tốt hơn công tác xây dựng văn bản quy định pháp luật.

Thứ ba, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt những quy trình, thủ tục làm kéo dài thời gian ban hành văn bản nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ.

Thứ tư, Điều hết sức quan trọng là phải xác định rõ tư tưởng chính sách và giải pháp chủ yếu để thực hiện trước khi soạn thảo xây dựng văn bản pháp quy. Không làm được điều này sẽ khó tạo được đồng thuận, thời gian sẽ kéo dài và chất lượng văn bản sẽ không cao.

Với các giải pháp nêu trên và bảo đảm đủ kinh phí cho nhiệm vụ này, Chính phủ sẽ phấn đấu không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết để thi hành luật, pháp lệnh và chất lượng văn bản pháp quy cũng sẽ từng bước được nâng lên.
3. Về nội dung chất vấn của Đại biểu nêu: Hiện nay có nhiều địa phương trong nước không có dầu nhưng vẫn được cấp phép xây dựng nhà máy lọc dầu; từ đó thông tin dư luận cho đây như một hội chứng. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm của Chính phủ về quản lý quy hoạch và cấp phép các cơ sở lọc dầu để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo môi trường và phù hợp với nguồn lực thực tiễn.
Về chất vấn này, tôi xin trình bày như sau:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Hiện nay, các dự án có trong quy hoạch là:

Thứ nhất là Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành tốt, công suất 6,5 triệu tấn/năm và có hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Đang đàm phán để bán cổ phần cho đối tác Nga và dự kiến nâng công suất Nhà máy này lên 10 triệu tấn/năm.

Thứ hai là Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa có công suất 10 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư là tổ hợp gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (25%), đối tác Kuwait (35%) và đối tác Nhật Bản (40%). Dự án này đã được chính thức khởi công xây dựng vào tháng 10/2013. Đối tác Kuwait đã cam kết cung cấp nguyên liệu dầu thô cho cả đời Dự án này.

Thứ ba là Nhà máy lọc dầu Phú Yên, chủ đầu tư là một Doanh nghiệp của Nga đầu tư 100% vốn. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đầu tư với công suất 8 triệu tấn/năm. Tỉnh Phú Yên đang đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương chuẩn bị khởi công.

Thứ tư là Dự án Nhà máy lọc dầu số 3 ở khu vực Long Sơn - Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là Dự án nằm trong quy hoạch từ trước đây. Hiện đang kêu gọi đầu tư. Khu vực này cũng đang chuẩn bị triển khai một dự án hóa dầu.

Thứ năm, Nhà máy lọc dầu Cần Thơ công suất 2 triệu tấn/năm đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chủ đầu tư có khả năng không thực hiện được nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành phố Cần Thơ xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Thứ sáu là Dự án nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong - Khánh Hòa. Đang kêu gọi đầu tư.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội. Có một Dự án chưa có trong quy hoạch. Đó là một tập đoàn kinh tế của Thái Lan, có giới thiệu của Chính phủ Thái Lan, xin đầu tư khu lọc hóa dầu với công suất 30 triệu tấn/năm ở Khu kinh tế Nhơn Hội - Bình Định. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho chủ đầu tư này lập Dự án đầu tư, trình các cơ quan chức năng của Việt Nam thẩm định, nếu Dự án tuân thủ pháp luật Việt Nam, có hiệu quả cho cả Việt Nam và chủ đầu tư thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch.

- Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Phúc:

4. Về nội dung chất vấn của Đại biểu nêu: Thủy điện đã đóng góp một phần rất quan trọng vào việc bảo đảm điện năng cho đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc lập quy hoạch, đầu tư xây dựng thi công và vận hành thủy điện đã gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết những giải pháp của Chính phủ nhằm khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế yếu kém trong lĩnh vực này. (Đại biểu Trần Thị Dung cũng chất vấn nội dung này).

Về vấn đề này, tôi xin trình bày như sau:

Thưa các vị đại biểu Quốc hội. Thủy điện là tiềm năng, lợi thế lớn của nước ta, cần được khai thác, sử dụng hiệu quả để xây dựng đất nước. Trong những năm qua, thủy điện đã đóng góp rất quan trọng vào đảm bảo điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại kỳ họp này của Quốc hội, Chính phủ đã có Báo cáo tổng thể về tình hình thủy điện, trong đó đã nêu khá rõ những mặt tích cực, hiệu quả của thủy điện và những tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong quy hoạch, trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án và trong thi công xây dựng công trình; trong di dân tái định cư; trong việc bảo đảm môi trường sinh thái. Những hạn chế yếu kém này có nhiều nguyên nhân; trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là yếu kém trong quản lý nhà nước của Chính phủ, của chính quyền địa phương mà trực tiếp là các cơ quan chức năng của Chính phủ, của chính quyền địa phương.

Tiếp thu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội và của đồng bào cử tri, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này. Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Tinh thần chung là phát huy tốt nhất những mặt tích cực, hiệu quả của thủy điện, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Dự án thủy điện phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, môi trường sinh thái và bảo đảm an toàn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện ba nhóm giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, đối với các nhà máy thủy điện đang vận hành (hiện có 268 nhà máy với công suất hơn 14 nghìn MW):

- Rà soát, đánh giá lại sự an toàn của hồ, đập. Công trình nào không an toàn thì phải ngừng hoạt động.

- Rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt cho phù hợp với diễn biến thực tế của khí hậu, thời tiết cả mùa lũ và mùa cạn kiệt. Đồng thời, phải công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành, không phải đợi tới khi có lũ, tới cạn kiệt mới thông báo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ và buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, xử lý nghiêm vi phạm, từ xử phạt hành chính, kinh tế cho đến trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu các Bộ chức năng quản lý trên lĩnh vực này thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách bổ sung đối với hộ nghèo ở những vùng tái định cư của các dự án thủy điện. Đồng thời, yêu cầu rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách di dân tái định cư để áp dụng cho những dự án thủy điện khởi công mới.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung cơ chế chính sách và yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng đối với diện tích rừng đã mất do làm dự án thủy điện. Đối với địa phương không có đất để trồng bù rừng, yêu cầu chủ đầu tư đóng tiền để trồng bù rừng ở địa phương khác theo quy định.

Thứ hai, đối với các Dự án đang khởi công xây dựng (hiện có 205 dự án với công suất hơn 6200 MW), Chính phủ yêu cầu:

- Rà soát lại thiết kế với yêu cầu là phải bảo đảm an toàn. Nếu chưa an toàn phải dừng lại để bổ sung. Không đợi đến khi xây dựng xong công trình.

- Rà soát phương án tái định cư bảo đảm đúng chính sách pháp luật. Xem xét bổ sung đối với từng dự án cụ thể để bảo đảm mục tiêu đưa dân đến nơi ở mới từng bước có cuộc sống tốt hơn.

- Kiểm tra phương án trồng bù rừng. Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết.

- Theo quy định, quy trình vận hành hồ chứa phải được chủ đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng bộ với việc thẩm định thiết kế cơ sở. Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định để khi dự án thủy điện đi vào hoạt động phải có Quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và phải bảo đảm các mục tiêu về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, bảo đảm môi trường sinh thái và an toàn hồ đập.

Thứ ba, đối với số dự án nằm trong quy hoạch chưa khởi công xây dựng (khoảng 348 dự án). Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát lại quy hoạch, quản lý quy hoạch chặt chẽ hơn với trách nhiệm cao hơn đối với việc chấp thuận đầu tư mới các dự án thủy điện.

- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch thủy điện trong cả nước; Cùng với các bộ ngành, địa phương liên quan rà soát lại, tổ chức thẩm định và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các dự án thủy điện còn lại chưa xây dựng này. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt.

- Việc đầu tư xây dựng mới phải được quản lý chặt chẽ hơn. Đối với dự án thủy điện nhóm B, nhóm C, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thẩm định, đánh giá kỹ các mặt, bảo đảm các tiêu chí theo quy định và tuân thủ đúng pháp luật thì mới chấp thuận cho phép đầu tư. Đối dự án nhóm A, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đối với dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định, thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

Thưa Quốc hội,

Theo chương trình đã quy định của Đoàn Chủ tịch. Thời gian tôi trực tiếp trả lời chất vấn không còn. Tôi xin được dừng ở đây. Các chất vấn còn lại của các vị đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin chúc các vị đại biểu Quốc hội, đồng chí đồng bào sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.

 Xin cám ơn Quốc hội.