Báo chí 30 năm đổi mới - lý luận và thực tiễn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/12, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

 Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định: 30 năm qua (1986 - 2016) là chặng đường lịch sử có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân trong nước và dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, và chính báo chí cũng được hưởng những thành quả của đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí.

Đồng thời, báo chí cũng đã tự đổi mới hoạt động để theo kịp sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, trước tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến khó lường, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, báo chí cũng đang bộc lộ những bất cập, yếu kém, bên cạnh cơ hội mới, báo chí cũng đối mặt nhiều thách thức phải vượt qua.

Đối với một số khuyết điểm của báo chí, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: Nhiều thông tin còn thiếu tính định hướng, nặng về mặt trái. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ vẫn chậm được khắc phục. Còn nhiều thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn được một số ấn phẩm phụ, chuyên trang đăng tải. Nhiều chương trình liên kết của các đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Cũng trong buổi làm việc hôm nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung chính. Đầu tiên là tổng quan những vấn đề lý luận và nghiệp vụ báo chí, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về báo chí qua 30 năm đổi mới; Vai trò và đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của đất nước; Sự phát triển của lý luận báo chí 30 năm qua và những vấn đề đặt ra hiện nay (nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội đối với báo chí truyền thống); Sự vận động và phát triển của các loại hình báo chí, thể loại báo chí...

Thứ hai là những vấn đề thực tiễn trong hoạt động báo chí, cụ thể về: Công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin, những sai phạm, bất cập thường gặp trong tác nghiệp, trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đối với báo chí, những kinh nghiệm và bài học nghiệp vụ trong tác nghiệp báo chí, xử lý mối quan hệ báo chí và mạng xã hội; Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay; Xu hướng phát triển của báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam.

Thứ 3 là những vấn đề đặt ra về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay, việc thực hiện 10 điều trong Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam vừa được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành…