Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí cần thông tin nhanh, nhưng phải chuẩn xác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII ngày 27/10, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nhấn mạnh, điều quan trọng là các cơ quan báo chí phải tăng cường giáo dục đạo đức, kể cả về nghiệp vụ cho người làm báo không bị sa đà vào những cái giật gân, câu khách.

Báo chí cần thông tin nhanh, nhưng phải chuẩn xác - Ảnh 1
Thưa ông, hiện nay, một số trang web, trang thông tin, báo điện tử sa đà vào việc giật tít giật gân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định rất rõ hoạt động của các trang mạng. Trong đó có phân loại chức năng, nhiệm vụ cụ thể, báo điện tử làm gì, trang thông tin điện tử làm gì, trang cá nhân làm gì. Tuy nhiên, hiện nay lại đang có sự lệch lạc, nhiều trang web lại đi đưa tin, một số báo điện tử hay trang thông tin đi lấy thông tin của các cơ quan báo chí khác, sửa đổi một chút nhưng không đề nguồn. Đó là sự vi phạm quy định của báo chí. Trước hết tôi đề nghị các cơ quan báo chí phải tự soi lại mình, tự điều chỉnh, tránh để đến lúc Bộ TT&TT "đụng tới" rồi bị phạt. Số tiền bị phạt không lớn, nhưng nó ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của công chúng đối với cơ quan báo chí đó.

Mới đây, Bộ TT&TT quyết định xử phạt nặng trang mạng xã hội Haivl. Việc Bộ thắt chặt nguồn thông tin của một số trang mạng xã hội có phải vì lâu nay chúng ta mở quá rộng các kênh để thông tin, nhưng không kiểm soát được?

- Việc mở rộng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội, nhưng mỗi trang thông tin đều có tôn chỉ, mục đích riêng. Tuy nhiên, trang Haivl đã đi quá xa, bản thân chủ quản  cũng tự nhận điều đó, tự nhận sai sót của mình.

Báo điện tử hay các trang mạng có đặc thù là nhanh, nhưng phải chính xác, còn nếu nhanh mà không chính xác là đáng phê phán. Tuy nhiên còn một yếu tố nữa chi phối đó là sự non kém về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những sai sót. Non về nghiệp vụ là không biết quy định của mình được làm đến đâu. Về đạo đức nghề nghiệp, làm sai nhưng không hiểu và thậm chí nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới vi phạm pháp luật.

Theo ông, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ cần phải có những giải pháp nào nữa để không để xảy ra tình trạng thông tin nhiễu loạn?

- Như tôi đã nói, bản thân cơ quan báo chí phải tự rà soát lại, phải xem tôn chỉ mục đích của mình, được phép làm đến đâu để không quá đà. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra và các cục chức năng của Bộ TT&TT cũng phải rà soát lại. Theo tôi có thể gọi đây là một chiến dịch, như Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã khẳng định sắp tới sẽ làm chặt chẽ, nghiêm túc, xử lý nghiêm những vi phạm, sai sót.

Xin cảm ơn ông!