Hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam chính thức khép lại chuyến công du châu Âu từ ngày 5 tới 11/9, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam từ sau Đại hội Đảng 13 tới nay và sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19.
Báo chí Italia, Đức và Áo đã dành nhiều quan tâm theo dõi và đánh giá ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm trong việc tăng cường quan hệ song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) cũng như góp phần thúc đẩy các cơ chế trao đổi, hợp tác đa phương ở khu vực và toàn cầu.
Mở đầu bài viết trên nhật báo Agenzia Stampa Italia, tác giả Andrea Fais nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh dấu hoạt động đối ngoại cấp cao đầu tiên của Việt Nam với EU kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội khóa XV tại Việt Nam, kỷ niệm tròn một năm Hiệp định Tự do thương mại giữa EU và Việt nam (EVFTA) có hiệu lực.
Bài báo đề cập khái quát tiến trình EVFTA được hai bên nỗ lực thúc đẩy hiện thực hóa và trở thành thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, có độ phức tạp cao, tham vọng nhất của EU với một nền kinh tế mới nổi. Các cơ quan lập pháp (EP và Quốc hội Việt Nam) đóng vai trò then chốt và đã nhanh chóng thông qua EVFTA, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU sau hơn 30 năm tiếp tục phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa EU với các nước châu Á nói chung. Bài viết nhận định khối EU hiện xem Việt Nam là đối tác hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) cũng như cơ chế Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - EU tiếp tục được hai bên tích cực triển khai hiệu quả. Việt Nam thực sự là cầu nối giữa EU với ASEAN, trong khi EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các cường quốc, tổ chức quốc tế khác. Hợp tác kinh tế, thương mại song phương đã thay đổi về chất, là tiền đề thúc đẩy hợp tác chính sách và các lĩnh vực chiến lược khác trên cơ sở hai bên cùng có lợi. EVFTA tạo thuận lợi cho các sản phẩm chất lượng của Việt Nam xâm nhập thị trường châu Âu, đồng thời nâng cao kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam. Thỏa thuận cũng gián tiếp thúc đẩy hiệu quả hoạt động đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh quy mô đầu tư của EU vào Việt Nam còn khiêm tốn.
Về lĩnh vực phát triển bền vững, theo tác giả Andrea Fais, EU cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh cho Việt Nam, lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp Italy có thế mạnh về mặt công nghệ. EU cũng cần mở rộng vốn ODA dành cho các dự án phát triển năng lượng sạch, cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững ở các vùng nông thôn, miền núi của Việt Nam.
Đặc biệt, bài viết tập trung phân tích những kết quả hợp song phương về phòng chống đại dịch Covid-19 và trong lĩnh vực y tế thời gian gần đây giữa EU và Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và đề nghị EU hỗ trợ, chia sẻ vaccine cho Việt Nam. Thông qua cơ chế COVAX, EU đã cung cấp cho Việt Nam 2,4 triệu liều vaccine. Theo bài viết, sự quan tâm và hỗ trợ về vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cho Việt Nam thể hiện rõ những cam kết của EU trong khuôn khổ Hiệp định khung về tham gia quản lý khủng hoảng với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, ngày 7/9 tại thủ đô Vienna, Áo. Ảnh: TTXVN |
Trong khi đó, trên trang Die Meinung của Áo, tác giả Khaled nhận định rằng chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, tăng cường hợp tác đa phương và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam luôn coi trọng và tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương nhằm ứng phó những thách thức đối với toàn thế giới hiện nay. Theo tác giả Khaled, bên cạnh các chủ đề trọng tâm về chủ nghĩa đa phương, hợp tác và gìn giữ hòa bình, Hội nghị Các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại CH Áo còn tập trung thảo luận các chủ đề về bình đẳng giới, tác động của đại dịch Covid-19, hợp tác liên nghị viện, nâng cao đời sống cho người dân trên toàn cầu.
Cũng tại châu Âu, nhiều trang truyền thông của cộng đồng người Việt tại Đức, Áo, Séc, Italia…đều quan tâm đăng tải bài viết từ các báo nêu trên, đồng thời thường xuyên cập nhật các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và đoàn trong chuyến thăm.
Đánh giá về chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, truyền thông Đức nhận định, chuyến thăm thể hiện chính sách đối ngoại và kinh tế đa dạng và độc lập của Việt Nam.
Tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức ngày 10/9 đưa tin Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã kết thúc chuyến thăm làm việc kéo dài 2 ngày tại Nghị viện châu Âu (EP) và Vương quốc Bỉ sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo. Chuyến thăm được cho nhằm thể hiện chính sách đối ngoại và kinh tế đa dạng và độc lập của Việt Nam.
Bài viết cho biết, tại cuộc hội đàm với Chủ tịch EP David Sassoli, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tăng cường toàn diện quan hệ kinh tế và thương mại trên nền tảng EVFTA.
Trọng tâm nội dung các cuộc hội đàm và hội kiến, trong đó có hợp tác chống đại dịch Covid-19, cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Uỷ ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) Bernd Lange. Tại các cuộc gặp,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), nhấn mạnh rằng đây là một trong những tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Trong khi đó, Chủ tịch EP Sassoli đánh giá cao các bước đi mà Việt Nam đã thực hiện nhằm triển khai hiệp định.
Theo bài viết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi với số vốn đầu tư trực tiếp đạt 6,1 tỷ euro trong năm 2019, EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Tại Bỉ - một trong số nhà xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Việt Nam - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Eliane Tillieux và các nhà lãnh đạo khác của Bỉ để thảo luận về việc làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Eliane Tillieux. Ảnh: TTXVN |
Việt Nam coi Bỉ là đối tác thương mại quan trọng với kim ngạch thương mại song phương đạt 1,9 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bỉ sớm phê chuẩn EVIPA để làm cơ sở cho các công ty Bỉ đầu tư vào các lĩnh vực như vận tải biển, hậu cần, nguồn năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.
Trước đó tại Vienna (Áo), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã hội đàm với Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco và Chủ tịch Hội đồng quốc gia Áo Wolfgang Sobotka.
Tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, Việt Nam đã kêu gọi tăng cường vai trò của IPU trong các vấn đề quốc tế hiện nay, đặc biệt là tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc.
Theo bài báo, chuyến thăm tới châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bên cạnh vấn đề hợp tác liên nghị viện, được coi là thành công xét về nội dung và kết quả các cuộc làm việc và Việt Nam đã chứng tỏ được là đối tác có năng lực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng làm Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng, đã dẫn đầu các cuộc đàm phán về EVFTA và EVIPA.
Bài viết đánh giá chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đã thể hiện chính sách đối ngoại và kinh tế đa dạng và độc lập của Việt Nam./.