Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí chuyển đổi số: Lấy bạn đọc là trung tâm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (14/4), tại Hội báo toàn quốc 2022 đã tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn với sự góp mặt của lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí cũng như doanh nghiệp công nghệ chuyên về chuyển đổi số cho lĩnh vực truyền thông.

Con người quan trọng hơn công nghệ

Từng là Tổng Biên tập của VietnamPlus, một trong những tờ báo điện tử có tốc độ chuyển đổi số sớm và hiệu quả nhất của Việt Nam, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân khẳng định tại Diễn đàn rằng, đây là quá trình không hề đơn giản, thậm chí có thể nói là vô cùng khó khăn.

Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh
Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh

Muốn chuyển đổi số cho một tờ báo, vấn đề đầu tiên là nằm ở tư duy. Có rất nhiều tòa soạn cho rằng chỉ cần mua công nghệ, mua phần mềm thì chính là chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, tòa soạn có thể tích hợp hàng loạt công nghệ mới, ứng dụng mới nhưng nếu không có tư duy mới thì cũng không thể chuyển đổi số thành công.

Cốt lõi của chuyển đổi số là nằm ở con người, đây mới thứ quan trọng mà công nghệ không thể tạo ra được. Các lãnh đạo tòa soạn trước hết cần tập trung khai phá tiềm năng nhân sự mà mình đang có. Từ đó, không chỉ đào tạo lên được những người có khả năng tự chủ công nghệ mà còn có thể phát sinh ra các mô hình hoạt động mới thích hợp với chuyển đổi số.

Từ kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số thành công tại VietnamPlus và giờ đây là đang bắt đầu với báo Nhân Dân, ông Lê Quốc Minh cho biết, có hai chìa khóa chính để thực hiện quá trình thay đổi mang tính sống còn này. Thứ 1, giúp nhân viên của toàn soạn đồng lòng, thấu hiểu và cần xác định chuyển đổi số là hướng đi không thể thay đổi, điều này khiến khả năng thành công tăng gấp 3 lần. Thứ 2, chính các lãnh đạo toàn soạn cần đặt ra đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tòa soạn và không thể chần chừ.

Cũng theo Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã đề ra cả lộ trình chuyển đổi số trong nhiều năm cho mình nhưng khi thực hiện thì không phải đơn vị nào cũng thành công. Trên thực tế, quá trình chuyển đổi số cho báo chí đã được nhắc tới từ nhiều năm trước, chứ không phải bây giờ mới có.

Về đối tượng mà chuyển đổi số hướng đến là bạn đọc, các tòa soạn cần xác định đây sẽ là khách hàng trung tâm của mình. Theo nhiều tờ báo lớn trên thế giới, doanh thu từ độc giả là nguồn thu được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Tăng doanh thu từ độc giả chính là tương lai của báo chí.

Chuyển đổi số là con đường mà báo chí bắt buộc phải đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả, và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Chuyển đổi số chưa kết thúc sau khi thực hiện kế hoạch thành công. Trên thực tế, đây là một quá trình liên tục tiếp diễn, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung cũng cho rằng mục đích của chuyển đổi số ở mỗi tòa soạn là nhằm phục vụ cho độc giả. Cũng chính nhờ định hướng này đã giúp Tuổi trẻ Online từ vị thế tờ báo điện tử chỉ xếp nửa dưới bảng xếp hạng những báo điện tử được xem nhiều nhất trong nước vươn lên vị trí thứ 3 trong năm 2021.

Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung
Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung

Có 3 thách thức lớn mà mỗi tòa soạn phải đối mặt khi thực hiện chuyển đổi số. Đầu tiên là công nghệ, có rất nhiều cách làm nhưng Tuổi trẻ lựa chọn tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng hiện có và thuê ngoài những việc mình không tự làm được nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Điều này cũng giúp những nhân lực vốn có của tòa soạn có thể tham gia nhanh hơn vào chuyển đổi số cũng như nghiên cứu, đề xuất các ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới.

Về kinh phí đầu tư, đây cũng là vấn đề khiến nhiều tòa soạn lưỡng lự khi muốn chuyển đổi số. Cách làm của Tuổi trẻ là đầu tư từng phần theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải vì kinh phí lớn. Tuy nhiên cách làm này đôi lúc khiến phần đầu tư sau mất thời gian để khớp nối với phần đã đầu tư. Vì vậy, nếu có thể, các tòa soạn nên đầu tư bài bản ngay từ đầu, tránh chắp vá. Ngoài ra, nhân sự cũng là câu chuyện cần chú trọng.

Cũng theo ông Lê Xuân Trung, để thúc đẩy chuyển đổi số, vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí cần được quan tâm sát sao hơn nữa từ các cơ quan chức năng. Bởi nếu thực hiện tốt vấn đề này thì nguồn thu cho báo chí sẽ lớn hơn và từ đó có nguồn kinh phí để chuyển đổi số mạnh và nhanh hơn.

Công nghệ sẵn sàng đáp ứng chuyển đổi số cho báo chí

Cũng tại Diễn đàn, đại diện cho các doanh nghiệp có dịch vụ đáp ứng chuyển đổi số báo chí, Phó Giám đốc Netcore Việt Nam Phùng Tấn Cường cho biết, không chỉ báo chí trong nước mà trên cả thế giới, nhiều tờ báo đang phải đối mặt với với việc làm sao để ứng dụng hiệu quả công nghệ nhằm tạo ra nguồn thu. Bên cạnh đó, sức ép từ các loại hình thông tin khác đang ngày một lớn.

Phó Giám đốc Netcore Việt Nam Phùng Tấn Cường
Phó Giám đốc Netcore Việt Nam Phùng Tấn Cường

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng Internet của người dùng Việt Nam đang là 6,4 tiếng mỗi ngày, trong đó 1/2 thời gian được sử dụng để đọc tin tức. Tuy nhiên việc vào đọc tin tức trên các trang báo mạng chỉ là thứ yếu mà thay vào đó người dùng sẽ đọc qua mạng xã hội. Và việc đọc tin tức trên báo chí chỉ xếp thứ 8 trong các ưu tiên của người dùng mạng, thua xa truy cập mạng xã hội, thậm chí là nói chuyện qua các ứng dụng nhắn tin.

Điều này khẳng định, hiện tại báo chí không phải là lựa chọn hàng đầu khi người dùng truy cập Internet, do đó, báo chí đang phải đối đầu với nhiều dịch vụ mạng mới. Cuộc chiến này ngày nay nằm ở trên chiếc điện thoại và doanh thu cũng chính từ đó mà ra.

Nếu nhìn rộng ra các nước Đông Nam Á và châu Âu cũng có thể thấy rõ ràng xu hướng đọc tin tức trên mạng xã hội đang ngày càng lấn át so với đọc trên báo điện tử. Rõ ràng với mạng xã hội người dùng không cần quá nhiều thao tác là đã có thể nhận được nhiều thông tin. Do đó, để tạo lợi thế, tin tức của báo điện tử cần phản nhanh hơn và có cách tiếp cận với người dùng mới hơn.

Với sự trợ giúp của công nghệ, các tờ báo điện tử có thể tự biến mình thành một nền tảng số, ở đó hệ thống sẽ tự động lưu giữ thói quen của người dùng để hiển thị tin tức phù hợp. Hoặc truyền tải thông tin tới bạn đọc một cách nhanh chóng nhất thông qua tin nhắn hoặc email. 

Tích hợp công nghệ vào tòa soạn không chỉ giúp giảm thiểu nhân sự tham gia mà còn có thể đa dạng nội dụng, hướng tiếp cận độc giả cũng như tạo ra những giá trị gia tăng mới, ông Phùng Tấn Cường nói.

Có quan điểm tương tự, Phó Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Đăng Ngọc cũng cho rằng công nghệ hiện tại do doanh nghiệp trong nước cung cấp đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của báo chí.

Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại có đầy đủ đến đâu thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Trong đó, ý chí của người lãnh đạo cao nhất sẽ quyết định đến việc một tờ báo có thể chuyển đổi số thành công hay không. 

Việc trang bị một hệ thống công nghệ tiên tiến cho tòa soạn báo điện tử cũng là giải pháp giúp chống vi phạm bản quyền. Hệ thống này có thể dựa trên những bài mà báo đăng tải và tìm ra được các tin bài lấy lại hoặc sao chép mà chưa có ý kiến, từ đó để giúp các tòa soạn tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Hay như hệ thống nhận diện video được tích hợp trong hệ thống của báo điện tử. Chức năng này đã phát hiện một video trong đó có một người mặc áo phông có bản đồ Việt Nam nhưng thiếu Hoàng Sa, Trường Sa và tự động cảnh báo cho người quản trị. Đây được xem là tính năng rất hữu ích với báo điện tử, ông Nguyễn Đăng Ngọc nói về lợi ích của công nghệ.