Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng phát triển

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hiện nay, báo chí và DN đều đang đứng trước khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải thay đổi để thích ứng, hướng đến mục tiêu chung vì cộng đồng. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, bình đẳng giữa đôi bên để cùng đồng hành phát triển là yếu tố rất quan trọng.

Khó khăn bủa vây

Trong ba năm qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của những biến động chính trị, kinh tế, xã hội đã đặt cộng đồng báo chí cũng như DN đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều tờ báo “đau đầu” trong việc cân đối chi tiêu do nguồn thu bị sụt giảm.

Lễ ký kết hợp tác truyền thông giữa các doanh nghiệp với Báo Kinh tế & Đô thị tại diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” ngày 5/6. Ảnh: Phạm Hùng
Lễ ký kết hợp tác truyền thông giữa các doanh nghiệp với Báo Kinh tế & Đô thị tại diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” ngày 5/6. Ảnh: Phạm Hùng

Sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ khiến cạnh tranh trong khu vực báo chí trở nên hết sức sôi động. Ngược lại, điều này cũng khiến không ít cơ quan báo chí bị tụt lại phía sau do chậm đổi mới về chuyển đổi số. Điều này kéo theo sự sụt giảm lượng bạn đọc, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu tài chính, khiến hoạt động báo chí, nguồn lực đầu tư cho phát triển báo chí hiện đại hết sức khó khăn.

Tại một diễn đàn về kinh tế báo chí tổ chức mới đây, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền từng nhận định: việc thiếu nguồn lực, hoạt động của tòa soạn sẽ “èo uột”, cứng nhắc, nghèo nàn, thậm chí là khó hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan chủ quản giao phó. Tờ báo chậm đổi mới cũng sẽ không có sức hấp dẫn, từ đó hạn chế vai trò trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đồng thời khó tiếp cận với các kênh hỗ trợ tài chính, nhất là từ cộng đồng DN.

Không chỉ các cơ quan báo chí, cộng đồng DN cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn TP có hơn 13.000 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 126.000 tỷ đồng.

Dù con số DN đăng ký mới tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký lại giảm đến 17%. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, TP cũng ghi nhận khoảng 1.500 DN buộc phải giải thể và 12.600 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Những con số biết nói trên cho thấy cộng đồng DN đang đứng trước thách thức rất lớn.

Điều đáng nói, trong bối cảnh hoạt động khó khăn đó, các DN còn thường trực nỗi lo từ thông tin báo chí thiếu minh bạch. Một số DN cho rằng, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu tích cực, đâu đó vẫn còn những thông tin gây bất lợi, thậm chí là làm tổn hại đến uy tín và thương hiệu của DN. Tình trạng giật tít “câu view”, thông tin chưa đúng về mặt bản chất, chưa đúng với những nỗ lực, cố gắng của DN vẫn còn, khiến không ít DN tâm tư.

Nguyên nhân một phần đến từ việc một số DN chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Trong khi đó, dù chỉ là cá biệt nhưng đâu đó vẫn có những phóng viên lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa thông tin không chính xác. Không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN, điều này còn vô tình tạo nên một khoảng cách vô hình - hố sâu ngăn cách, khiến sự hiệu quả trong hợp tác truyền thông giữa báo chí và DN chưa đạt kỳ vọng.

Vai trò tương hỗ, không thể tách rời

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân DNNVV Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của cộng đồng DN, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Những sự tư vấn kịp thời về truyền thông để DN phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như xử lý tốt nhất những rắc rối trong khuôn khổ pháp luật là việc mà DN rất cần tới sự hỗ trợ của báo chí.

“Báo chí là nơi tin cậy để giúp các DN phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước; là diễn đàn quan trọng để các DN quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng” - bà Nguyễn Thị Minh Thanh bày tỏ.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động như hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Nguyễn Thị Hương đánh giá, cũng nhờ báo chí mà ABBank tiếp cận được nhanh nhất với những thông tin chính thống về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; từ đó kịp thời có những kế hoạch phù hợp cho hoạt động của ngân hàng. “Thông tin báo chí là cơ sở để các nhà quản lý nắm bắt nhu cầu thị trường. Đối với ABBank, chúng tôi không chỉ tiếp cận thông tin từ báo chí mà còn coi đây là một kênh vô cùng quan trọng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận với xã hội và khách hàng của mình…” - bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ thêm.

Nhiều DN đồng tình rằng, giữa DN và báo chí chính là mối quan hệ cộng sinh, luôn đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Báo chí là cầu nối để kết nối hoạt động của các DN nói chung với người dân, các thành phần kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của DN trong dòng chảy chung của nền kinh tế.

Ở khía cạnh ngược lại, DN là vùng đất màu mỡ để báo chí hoạt động và phát triển; là nơi cung cấp cho báo chí những thông tin thực tế và khách quan nhất, để báo chí thể hiện được chức năng thông tin, vai trò phản biện, khẳng định được vị trí, uy tín, thương hiệu trong lòng công chúng.

Bên cạnh khía cạnh thông tin, Phó Trưởng Ban Điện tử, Báo Nhân Dân Ngô Việt Anh cho rằng, hiện nay một nguồn thu chủ yếu của các cơ quan thông tấn, báo chí đến từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách và thương hiệu. Ở khía cạnh này, báo chí rõ ràng rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của cộng đồng DN.

Có thể nói, “đồng cam cộng khổ” là cách mà báo chí và DN cần thực hiện nhất vào lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt. Mối quan hệ giữa báo chí và DN cần được nhìn nhận là mối quan hệ tương hỗ, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi. Và để mối quan hệ này ngày một bền chặt, báo chí và DN cần phải cởi mở, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các chiến lược truyền thông minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của cộng đồng, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong xu thế hội nhập.

 

"Báo chí là một kênh truyền thông quan trọng và hiệu quả. Để hoạt động của cộng đồng DN nói chung, ngân hàng nói riêng tốt hơn, mong muốn báo chí sẽ tiếp tục có những trao đổi minh bạch đối với những sự việc, hiện tượng có liên quan đến cộng đồng DN nói chung, từ đó có phương thức truyền thông phù hợp, đúng bản chất vấn đề, tạo điều kiện cho DN phát triển." - Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Chu Hải Công