Ngày 22/6/2023, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”. Đây là dịp để các nhà khoa học thảo luận một cách sâu sắc, cụ thể và toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn, cũng như thực trạng về báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Đoàn chủ trì Hội thảo gồm ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam và một số trường đại học, cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Hơn 98 năm qua, nền báo chí nước ta có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp. Hiện nay, cả nước có hơn 24 ngàn hội viên, nhà báo đang làm việc trong hơn 800 cơ quan báo chí. Báo chí Việt Nam là dòng thông tin chính thống đáp ứng tốt nhu cầu thông tin - giao tiếp đại chúng, là phương tiện - phương thức liên kết các lực lượng trên toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từ đó thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hành vi sửa chữa của các cơ quan, tổ chức vi phạm hoặc có liên quan. Báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra điều tra thể hiện rõ nhất chức năng “liên kết và can thiệp xã hội", thông qua lớp màng mỏng nhất của ý thức xã hội là dư luận xã hội, hàng ngày hàng giờ tác động đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên đất nước ta.
Thực tiễn báo chí Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy: công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí và các nhà báo. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Ngày 12/01/2023, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp phiên thứ 23, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn, mở nhiều chuyên mục mới, số lượng, thời lượng tin bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đăng tải nhiều hơn. Trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin bài, phóng sự nổi bật của công tác đấu tranh phòng chống.
Hội thảo nhằm tổng kết lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp tăng cường số lượng, chất lượng và hiệu quả báo chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khái quát hoá thành các luận điểm, lý thuyết khoa học báo chí, truyền thông; hình thành cơ sở, căn cứ khoa học để các nhà báo, các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông trong cả nước thực hành, ứng dụng nhằm phát triển lĩnh vực báo chí truyền thông phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời phục vụ xây dựng tài liệu học tập, nghiên cứu báo chí truyền thông.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, chính các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý là nhân tố quan trọng nhất tạo nên uy tín và chất lượng của diễn đàn khoa học ngày hôm nay, góp phần hệ thống hoá và phát triển lý luận, định hướng thực tiễn báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” - Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Những năm qua, báo chí cách mạng nước nhà đã thực sự trở thành “tai, mắt của Đảng, tiếng nói của nhân dân”, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản ánh trung thực, khách quan mọi mặt đời sống xã hội, từ đó góp phần phát hiện, tố giác, vạch trần nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp; giáo dục, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong toàn Đảng, toàn dân, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt; phản bác các luận điệu sai trái, thù địch… góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong khi đó, dư luận xã hội cũng là kênh thông tin quan trọng trong việc phát hiện các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực và là “thành trì” ủng hộ vững chắc trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế thời gian qua cho thấy, báo chí và dư luận xã hội có vai trò quan trọng trong giám sát khách quan, hiệu quả, đảm đảm việc thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện công khai, minh bạch; đồng thời tạo ra diễn đàn tập hợp tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, cử tri, góp phần phản biện, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đóng góp khuyến nghị đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.
PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chào mừng Hội thảo
Đề dẫn Hội thảo, GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hiện nay, báo chí và dư luận xã hội là những lực lượng, công cụ chủ lực trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go, khốc liệt ở nước ta. Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và sư quản lý của nhà nước, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian qua, báo chí đã thể hiện vai trò tiên phong đi đầu. Cùng với báo chí, dư luận xã hội cũng là một thành tố quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí và dư luận xã hội cũng là hai thành tố có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau. Dư luận xã hội là đối tượng quan trọng trong phản ánh của báo chí. Ngược lại, báo chí thông qua thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền sẽ hình thành và tác động đến xu hướng phát triển của dư luận xã hội. Để xuất hiện được những làn sóng dư luận mạnh mẽ thì cũng không thể thiếu sự tham gia của báo chí. Nếu báo chí thực hiện đầy đủ, chính xác và sâu sắc chức năng thông tin của mình, thì dư luận xã hội cũng sẽ phát triển đúng hướng, tạo hiệu ứng tích cực đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và ngược lại.
GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Hội thảo nhận được 75 bài tham luận của các nhà khoa học từ các ban, bộ, ngành Trung ương đến các địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường đại học ...
Hội thảo đã được lắng nghe 10 báo cáo tham luận trực tiếp tại hội trường, đại diện cho nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, tiêu biểu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên. Các bài tham luận và ý khiến phát biểu tiếp cận dưới nhiều góc nhìn và chủ đề khác nhau, nhưng tập trung xoay quanh nội dung chủ đạo là làm rõ thực trạng báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách
Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu đều thống nhất khẳng định, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần phải kiên quyết, kiên trì tiến hành thường xuyên, lâu dài.
Nhiều bài tham luận đã đi sâu phân tích, nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực về thực trạng báo chí, dư luận xã hội góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đã tham gia rất tích cực, chủ động, là lực lượng xung kích, tiên phong, trực tiếp “chiến đấu” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí đã góp phần phổ biến, tuyên truyền kết quả tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh, lên án các biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương và "lợi ích nhóm", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thượng tướng, PGS,TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận: “Phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay”
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham luận: “Nâng cao hiệu quả của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”
PGS,TS. Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận: “Vai trò của truyền thông đại chúng trong việc giám sát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay”
Báo chí phản ánh toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong khu vực công và khu vực ngoài Nhà nước; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực và tích cực lên án, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; phản ánh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những thành tựu, kết quả, những cách làm có hiệu quả của các cơ quan Trung ương, các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”; ghi nhận, biểu dương, cổ vũ các gương điển hình đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Báo chí bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; phản ánh những khó khăn, thách thức và định hướng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát hiện, phản ánh những chủ trương, chính sách và quy định hiện hành còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Sự ủng hộ của dư luận xã hội tạo ra khí thế, xung lực mới
Các tham luận tại Hội thảo cho rằng, dư luận xã hội thời gian qua đã thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối, sự tin tưởng sâu sắc và đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho đến nay. Sự ủng hộ của dư luận xã hội đã tạo ra khí thế, xung lực mới trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, động viên tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
PGS,TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tham luận: “Phát huy vai trò, thế mạnh của internet và dư luận xã hội trực tuyến đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”
Đồng chí Đặng Ái Xoan, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang tham luận: “Phát huy vai trò của công tác báo chí và dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay”
PGS,TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị tham luận 6: “Sức mạnh của công luận và cuộc đấu tranh chống tham nhũng”
Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân tham luận: “Quan điểm của Đảng và Nhà nước về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và vai trò của báo chí đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay”
Thông qua nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều thông tin, các hành vi, biểu hiện, dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn. Dư luận xã hội cũng góp phần giám sát có hiệu quả việc thực thi các chương trình, kế hoạch, biện pháp, xử lý tham nhũng, tiêu cực của các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với báo chí, dư luận xã hội.
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua như: các cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý; một số cơ quan báo chí chưa phản ánh một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin; vẫn còn những nhà báo, bài báo phản ánh thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức; công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội còn chậm, nội dung, hình thức, phương thức ít đổi mới và chưa có sự đột phá…
TS. Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tham luận: “Báo điện tử với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”
Nhiều ý kiến tham luận đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh: cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với báo chí, dư luận xã hội; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác dư luận xã hội, đội ngũ phóng viên, người làm báo có tâm, có tầm và có tài; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng đào tạo các phóng viên báo chí chuyên sâu, am hiểu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan tuyên truyền; đa dạng hóa hơn nữa các hình thức truyền thông về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tận dụng tốt thế mạnh của các phương tiện truyền thông thế hệ mới; huy động sức mạnh của báo chí và dư luận xã hội trong đấu tranh, phản bác các thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Các ban, bộ, ngành, cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin kịp thời về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho báo chí, dư luận xã hội tham gia có hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực xây dựng môi trường dân chủ trong toàn xã hội, trong hoạt động của cơ quan báo chí, đẩy mạnh trách nhiệm đối thoại, giải trình, tinh thần công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức, để báo chí, nhân dân tham gia giám sát, phản biện. và các đoàn thể chính trị -xã hội; nâng cao ý thức chính trị của nhân dân.
Tổng kết Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền trân trọng cảm ơn đại biểu, các nhà khoa học đã viết bài và trực tiếp phát biểu tại Hội thảo.
PGS,TS. Mai Đức Ngọc khẳng định Hội thảo thành công tốt đẹp, những ý kiến tham luận, các bài viết của các nhà khoa học đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở để Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước cũng như với các cơ quan, cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.