Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Báo chí hỗ trợ và thúc đẩy công tác an sinh xã hội cho người dân

Kinhtedothi – Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của báo chí trong công tác an sinh xã hội càng trở nên quan trọng. Báo chí cần phát huy vai trò định hướng dư luận, phản biện xã hội và lan tỏa những tấm gương tốt; đồng thời giữ vững bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Báo chí phổ biến được chủ trương, chính sách đến với mọi người

Những năm qua, công tác an sinh xã hội ở nước ta đạt được nhiều thành quả tích cực, các chế độ và chính sách tiếp tục được cải thiện, đời sống của người dân ngày một tốt hơn. Góp phần vào những thành quả đó có vai trò quan trọng của báo chí trong việc lan tỏa các chính sách an sinh xã hội đến với đông đảo người dân, người lao động, các đối tượng yếu thế trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.

Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm “Chỗ ở cho công nhân – Từ thực tiễn đến chính sách” với sự tham dự của nhiều nhà báo và công nhân, lao động. Ảnh: Ngọc Tú.

Chia sẻ về vai trò của báo chí, nhà báo nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, nhà báo có rất nhiều nhiệm vụ. Nhưng nhà báo có hai nhiệm vụ cơ bản, một là thể hiện được nguyện vọng và mong muốn của Nhân dân, đưa ra những vấn đề của người dân lên các cơ quan lãnh đạo, quản lý và xã hội. Ở chiều ngược lại, nhà báo phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Nhà nước đến với người dân, đặc biệt là vấn đề liên quan đến an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...), giúp họ hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình để vừa thụ hưởng, vừa giám sát. “Tôi cho rằng, an sinh (bao gồm sống, ăn, ở, đi lại, học hành) là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người thì báo chí đã phổ biến được các chủ trương, chính sách đến với mọi người dân, thông qua nhiều hình thức là báo viết, báo hình, phát thanh. Bởi vì, Nhà nước, các tỉnh không thể nào tổ chức được các lớp tập huấn đến tận vùng sâu, vùng xa cho từng người dân”- PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cho các nhà báo đi ghi nhận thực tế làm nghề truyền thống và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Duy Khánh.

Là người từng làm nghiên cứu về bảo hiểm xã hội và luôn theo dõi hoạt động của báo chí trong lĩnh vực an sinh xã hội, TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính đã có những nhận định. Theo đó, trong thời gian qua, báo chí đã tuyên truyền tương đối đầy đủ, kịp thời những chính sách, chế độ, quyền lợi cũng như phản ánh những bất cập, hạn chế, vướng mắc và định hướng giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho mọi người dân, người lao động. Từ đó đã tạo lòng tin tưởng sâu sắc hơn của người dân về đường lối chính sách của Đảng là vì dân, lấy con người là trung tâm cho sự phát triển. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền của báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân hiểu đúng hơn về bảo hiểm xã hội, về sự khác biệt giữa bảo hiểm xã hội với bảo hiểm thương mại.

Nhà báo cần có bản lĩnh, đạo đức và trách nhiệm cao hơn

Chủ trương chung của Đảng và Chính phủ, của Nhà nước Việt Nam là lấy người dân làm trung tâm của mọi việc, lấy quyền lợi chính đáng của người dân để đặt ra chủ trương, để làm chính sách. Đảng và Nhà nước coi việc phục vụ người dân, sự hài lòng của Nhân dân là vấn đề cốt lõi của mọi mục tiêu trong tất cả các lĩnh vực. Vì thế, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, báo chí cũng phải tuyên truyền theo hướng đó. Và trong giai đoạn mới kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo (AI), mọi người sống trong thế giới phẳng thì vai trò của báo chí lại càng quan trọng. Những người làm báo phải rất bản lĩnh để phân biệt đúng – sai, tốt – xấu, định hướng dư luận xã hội, phản biện xã hội. Báo chí cũng phải có trách nhiệm lan tỏa những gương Người tốt, việc tốt... Vì thế, câu chuyện đạo đức, bản lĩnh của nhà báo là rất quan trọng.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận hình ảnh những người lao động mưu sinh ở chợ Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Duy Khánh.

TS Phạm Đình Thành cho rằng, trong giai đoạn kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng, kỷ nguyên phồn vinh và hạnh phúc của đất nước lại đòi hỏi các cơ quan báo chí, các phóng viên theo dõi thông tin mảng an sinh xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội lại phải tiếp tục hoạt động tích cực hơn, hiệu quả hơn nhằm phản ánh được “nhịp thở” của hoạt động bảo hiểm xã hội.

Báo chí cần có nhiều bài viết về những tấm gương người tốt, việc tốt trong việc vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; những địa phương có cách làm hay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội cao, giúp cho người lao động ở nơi đó an tâm khi tuổi già có lương hưu. Báo chí cũng cần có những bài phản ảnh về những DN có ý thức nghiêm túc tuân thủ Luật Bảo hiểm xã hội như đóng góp đầy đủ, đúng mức lương và kịp thời; cũng như thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định. Đồng thời, có những bài báo phản ảnh các DN trốn đóng, chây ỳ, nợ đọng các khoản thu bảo hiểm xã hội, thậm chí những DN phải chịu trách nhiệm hình sự về tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài…

Và, với sự vào cuộc tích cực của báo chí sẽ góp phần nâng cao nhận thức cũng như tính tuân thủ pháp luật cho chủ sử dụng lao động và người lao động. Cũng thông qua các hoạt động thực thi chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, báo chí sẽ tiếp tục phát hiện, đề xuất những bất cập, hạn chế về chế độ, chính sách, về tổ chức thực hiện với các thủ tục hành chính chưa hợp lý… trong từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội của đất nước để có hướng hoàn thiện tiếp hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng như trong bối cảnh kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan báo chí và nhà báo cần có bản lĩnh, đạo đức và trách nhiệm cao hơn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.

Báo Kinh tế & Đô thị: Hành trình về những "địa chỉ đỏ" của báo chí Cách mạng Việt Nam

Báo Kinh tế & Đô thị: Hành trình về những "địa chỉ đỏ" của báo chí Cách mạng Việt Nam

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ