Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh:

Báo chí phải kết hợp tốt 3 chân kiềng: nội dung, công nghệ và phong cách

Hồng Minh - Thành Luân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi những người làm báo cần thay đổi để phát triển.

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh về những khó khăn, thách thức và cơ hội để báo chí phát triển.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trả lời phỏng vấn Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Thành Luân
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trả lời phỏng vấn Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Thành Luân

Đổi mới tư duy để tạo ra quy trình làm việc mới

Báo chí thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, trong xu thế chuyển đổi số không thể đảo ngược. Bạn đọc của báo chí đang có những nhu cầu khác trước đây. Theo ông, vai trò của các cơ quan báo chí trong tương lai sẽ như thế nào?

- Suốt hàng trăm năm qua, báo chí được coi là nguồn thông tin quan trọng nhất, chính xác nhất đối với công chúng. Chúng ta thường nghe câu “nói như đài” để chỉ việc thông tin báo chí là không thể sai. Công chúng tìm đến báo chí như một thói quen của cuộc sống: muốn đọc báo in thì mua tờ báo hay tạp chí, muốn xem truyền hình hay phát thanh thì bật đài, tivi vào giờ mình muốn.

Bây giờ, mọi thứ đảo ngược: báo chí phải tìm đến người dùng, tin tức phải hiện lên trước mắt độc giả thì họ mới đọc, mới xem. Trước kia ai cũng chọn cho mình một vài nguồn báo chí nào đó, giờ đây có rất nhiều kênh thông tin trên mạng, người độc tha hồ “ngụp lặn” để tìm kiếm, tra cứu những gì họ cần.

Trước kia, các nền tảng được phân định rạch ròi, bây giờ các cơ quan báo chí đều hoạt động đa nền tảng. Trước kia ai nắm quyền phân phối thông tin thì quyền lực vô song, bây giờ mạng xã hội cho phép ai cũng được đăng tải thông tin lên mạng.

Trước kia cơ quan báo chí và nhà báo được gọi là “người gác cổng”, họ chọn thông tin nào trong hàng ngàn thông tin mỗi ngày để đăng tải thì người dùng biết thông tin đó, bây giờ công chúng độc giả có thể tiếp cận từ rất nhiều nguồn, không nhất thiết là từ báo chí.

Thực tế này cho thấy, vai trò của báo chí đang bị thách thức. Song cần khẳng định rằng báo chí của ngày mai có thể khác với ngày hôm qua về cách thức thể hiện, về việc ứng dụng những công nghệ làm báo mới, đối tượng độc giả có thể thay đổi, nhưng vai trò của báo chí đối với xã hội, nhất là báo chí Cách mạng Việt Nam thì không thay đổi.

Đó là phải tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân, cung cấp những thông tin và kiến thức hữu ích cho mọi người, là ngọn hải đăng dẫn dắt người dùng trong cuộc sống và công việc của họ.

Chúng ta đang nói nhiều đến chuyển đổi số, và chuyển đổi số chắc chắn là điều bắt buộc phải làm của cả xã hội cũng như lĩnh vực báo chí trong thời điểm hiện nay cũng như thời gian tới, nhưng chuyển đổi số chỉ là công cụ và phương tiện để báo chí thực thi hiệu quả vai trò của mình.

Ông đánh giá thế nào về sự đổi mới của báo chí Việt Nam? Trong bối cảnh cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo đang tới gần đòi hỏi những người làm báo cần thay đổi tư duy như thế nào để hoạt động ngày càng hiệu quả? Đâu là điều còn thiếu mà các cơ quan báo chí cần tập trung phát triển trong giai đoạn hiện nay?

- Cần thẳng thắn thừa nhận rằng đa số các cơ quan báo chí ở Việt Nam chuyển đổi khá chậm, dẫu rằng chúng ta không hề thiếu điều kiện so với báo chí thế giới. Vốn có suy nghĩ rằng những gì đang diễn ra trên thế giới cũng phải mất 5 - 6 năm mới xảy ra tại Việt Nam, nhưng đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả.

Sự đi xuống của báo in tại Việt Nam khá chậm trước đại dịch nhưng sau đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng: số phát hành co hẹp, doanh thu quảng cáo giảm sút, trong khi chi phí sản xuất lại tăng lên.

Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam hoặc do chính các cơ quan báo chí tổ chức để bàn thảo về chiến lược chuyển đổi số, về kinh tế báo chí, về đổi mới sáng tạo…, nhưng trong khi một số tòa soạn, đài phát thanh - truyền hình bắt nhịp khá nhanh và mạnh dạn thử nghiệm thì không ít các cơ quan báo chí khác có thái độ chờ đợi, hoặc dè dặt quá.

Tôi nghĩ điều còn thiếu ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay không phải là về kinh phí, về công nghệ hay về nhân sự mà chính là việc chưa thay đổi tư duy, từ người lãnh đạo cho đến từng phóng viên, biên tập viên và nhân viên. Đổi mới tư duy để tạo ra quy trình làm việc mới, tạo ra sản phẩm mới.

Nhân sự giỏi thì lúc nào chẳng thiếu và cũng không dễ tuyển dụng người tài, tài chính thì chúng ta chưa bao giờ dư dả, còn công nghệ không thể nói đầu tư theo hướng nào là đáp ứng đủ yêu cầu.

Tuy nhiên, nếu người lãnh đạo có tư duy linh hoạt, quyết liệt, nắm bắt xu thế mới và quy tụ được đội ngũ chắc chắn sẽ tìm ra cách thức phù hợp cho đơn vị của mình. Không phải cứ nhiều tiền là sẽ thành công, không phải đơn vị nhỏ sẽ thua kém các đơn vị lớn.

Cần lưu ý rằng độc giả, khán thính giả ngày càng đòi hỏi nội dung chất lượng cao và chuyên nghiệp. Và trong thời đại hiện nay, hiệu quả thông tin phải đo đếm được, và đo đếm bằng nhiều tiêu chí. Việc này không khó vì chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng những công cụ hiện đại. Báo chí ngày nay phải kết hợp giữa 3 chân kiềng là nội dung, công nghệ và phong cách riêng biệt của từng cơ quan báo chí.

Phải mạnh dạn bước đi nếu không muốn tụt hậu

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Nhân Dân đã phát hành số báo đặc biệt ngày 7/5/2024 có 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” mà bạn đọc có thể tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR để đọc thông tin mở rộng. Phụ san này nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo các tầng lớp Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc và người nước ngoài khi được trải nghiệm để hiểu sâu thêm về chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu". Xin ông chia sẻ kinh nghiệm dành cho các tòa soạn báo trong việc thu hút bạn đọc?

Một phần bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Một phần bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

- Đa số cơ quan báo chí bận bịu với những công việc thường nhật và cố gắng cải thiện những gì mình đang làm, nhưng có quan điểm rằng làm báo hiện đại đòi hỏi phải có “tư duy sản phẩm”. Thỉnh thoảng phải tạo ra những sản phẩm độc đáo để thu hút người dùng: có thể là sản phẩm thông tin, có thể là những sản phẩm ngoài tờ báo, phi thông tin.

Người dùng đứng giữa một biển thông tin tràn ngập, giữa một xã hội có quá nhiều thứ lôi kéo sự quan tâm, họ sẽ chỉ chú ý đến cái gì khác biệt. Các cơ quan báo chí có sức mạnh là công cụ truyền thông nhưng như vậy thôi thì chưa đủ trong thời đại hiện nay, nên cần phải tạo ra được những thứ mới mẻ, độc đáo.

Tuyến thông tin kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên tất cả các nền tảng của Báo Nhân Dân, trong đó nổi bật là bức tranh panorama in dài kỷ lục 3,21m cùng triển lãm tương tác tranh panorama tại trụ sở Báo ở Hà Nội và tại Bảo tàng Điện Biên Phủ, chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm sáng tạo của Báo Nhân Dân trong 3 năm vừa qua.

Chúng tôi có câu khẩu hiệu “Ở đâu có Nhân dân, ở đó có Báo Nhân Dân”, vậy thì phải dùng mọi cách thức để trở nên gần gũi với người dân, có thể là những bài báo, tấm hình, phóng sự truyền hình, nhưng cũng có thể là những món quà tặng nhỏ xinh, những sự kiện nghệ thuật hoành tráng.

Chuyển đổi số là hướng đi bắt buộc với đa số tòa soạn báo tại Việt Nam, nhưng câu hỏi đặt ra là các cơ quan báo chí cần làm gì để giải quyết câu chuyện nguồn lực, nhân sự và có được các bước đi phù hợp, thưa ông?

- Việc này chúng ta đã bàn nhiều rồi. Bây giờ không phải là lúc tiếp tục đặt ra câu hỏi đi con đường nào nữa mà phải mạnh dạn bước đi nếu không muốn bị tụt hậu. Đương nhiên, tùy vào quy mô và năng lực của từng đơn vị để có những giải pháp riêng chứ đừng chạy theo số đông, theo trào lưu, đừng đầu tư theo “mô hình nhà hàng xóm”. Phải bắt đầu từ những bước đi nhỏ rồi từ đó điều chỉnh và có chiến lược dài hạn hơn. Phải dám thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro và cả sai lầm.

Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của hội viên, còn tổ chức đào tạo kỹ năng và tăng cường kết nối với các tổ chức, hiệp hội, cơ sở đào tạo báo chí trong và ngoài nước. Chúng tôi mời các chuyên gia kinh nghiệm trong nước và quốc tế giảng bài về nhiều chủ đề, vấn đề thiết yếu, hướng dẫn những kỹ năng làm báo mới, và đặc biệt là giới thiệu các xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.

Chúng tôi đã nói về chuyển đổi số từ rất sớm, hướng dẫn về cách làm báo trên điện thoại cách đây cả chục năm, chúng tôi cũng đề cập vấn đề tòa soạn hội tụ, về trí tuệ nhân tạo, về các công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan báo chí và các nhà báo.

Trong năm 2023, lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Google tổ chức đào tạo chuyên sâu 1:1 cho một số tòa soạn, kéo dài gần nửa năm thay vì những khóa ngắn hạn vài ngày hoặc 1 tuần như thông lệ. Chương trình mới được tổng kết và dự kiến hai bên sẽ thiết kế một chương trình đào tạo khác cho thời gian tới.

Sự phát triển của mạng xã hội, kèm theo đó là vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo xuyên biên giới… Theo ông, đâu là hướng xử lý phù hợp để các cơ quan báo chí trong nước vừa bảo đảm được nhiệm vụ chính trị, vừa thu hút và giữ chân độc giả?

- Vấn nạn tin giả, tin sai lệch sẽ càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, nhất là khi công nghệ deepfake, trí tuệ nhân tạo tạo sinh trở nên phổ biến với chi phí thấp. Cả xã hội phải chống tin giả chứ không chỉ báo chí.

Chúng ta cần có những quy định pháp lý mới, cần có sự hợp tác của các nền tảng công nghệ, cần báo chí lên tiếng quyết liệt, và đặc biệt là cần nâng cao nhận thức cho người dùng - một điều xem ra vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, các “ông lớn” công nghệ đang dần chiếm thế thượng phong trên thị trường quảng cáo digital và miếng bánh quảng cáo cho báo chí ngày càng teo tóp. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục, nhất là khi báo chí suốt một thời gian dài cung cấp miễn phí nội dung trên Internet, dựa quá nhiều vào mạng xã hội để phát hành nội dung nên vô hình trung bị mất độc giả trực tiếp, giảm số lượng độc giả trung thành.

Báo chí thế giới cũng gặp khó khăn tương tự, và một trong những biện pháp của họ là xây dựng lại mối quan hệ trực tiếp với độc giả. Trụ cột quan trọng của chiến lược chuyển đổi số báo chí là thu phí độc giả trên nền tảng digital để người dùng phải tìm đến báo chí, và phải bỏ tiền, để đọc những thông tin chuyên sâu, hữu ích.

Cách làm này cũng giúp các cơ quan báo chí thu thập được dữ liệu người dùng, từ đó cung cấp nội dung cá nhân hóa, kinh doanh quảng cáo hoặc kinh doanh dữ liệu người dùng.

Các cơ quan báo chí cũng được khuyến cáo đa dạng hóa mô hình kinh doanh chứ không nên quá phụ thuộc vào quảng cáo, lại càng không nên trông đợi vào nguồn thu quảng cáo chia sẻ với các tập đoàn công nghệ lớn. Và điều mấu chốt về nội dung là càng phải chuyên nghiệp hơn nữa, chất lượng cao hơn nữa. Nội dung báo chí phải là loại nội dung mà người dùng không thể tìm thấy ở nơi nào khác thì họ mới đến với báo chí, mỗi cơ quan báo chí thậm chí phải đi theo thị trường ngách để có bản sắc riêng.

Phải tạo sự khác biệt và vươn lên giữa đám đông

Để bảo đảm yêu cầu “chất lượng và hiện đại”, yếu tố quan trọng là nguồn lực đầu tư cho cơ quan báo chí, tuy nhiên hiện tại nguồn thu để tái đầu tư từ quảng cáo của các cơ quan báo chí, cả báo in, báo điện tử và truyền hình đều suy giảm. Thưa ông, ngoài nỗ lực tự thân của mỗi cơ quan báo chí, thì đâu là hướng giải quyết về cơ chế chính sách cho các cơ quan báo chí để bổ sung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền hiệu quả hơn?

- Năm ngoái, Chính phủ đã ban hành các văn bản về vấn đề truyền thông chính sách và đây có thể được coi là một cách tháo gỡ quan trọng, giúp các cơ quan báo chí có thêm nguồn kinh phí khi tham gia truyền thông chính sách cho các bộ, ngành và địa phương.

Việc giảm thuế cho cơ quan báo chí cũng đang được bàn tới. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thì không phải chỗ nào cũng thuận lợi. Có những cơ quan báo chí địa phương đã tranh thủ hiệu quả cơ chế truyền thông chính sách và tăng được nguồn thu, nhưng nhiều đơn vị khác cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc về định mức kinh tế kỹ thuật.

Chúng ta cần xác định rằng cơ chế bao cấp toàn bộ là không còn phù hợp, cơ chế xin - cho cũng không nên áp dụng và không thể áp dụng. Việc cấp kinh phí dù ở dạng thức nào thì cũng phải dựa trên hiệu quả, chất lượng công việc, và chất lượng công việc phải đo đếm được.

Tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân tôi, năng lực tự thân của các cơ quan báo chí vẫn là chủ động nhất và quan trọng nhất. Chúng ta vẫn kiến nghị, vẫn trông chờ và vẫn hy vọng vào các cơ chế chính sách thuận lợi hơn trong tương lai, nhưng trong bối cảnh ngày càng khó khăn với báo chí, phải tự cứu mình trước khi được cứu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!