Báo chí thúc đẩy cải cách thể chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, báo chí đóng vai trò rất quan trọng vì rằng mỗi ý kiến của báo chí là “áp lực cần thiết giúp Chính phủ đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các DN”.

Báo chí đồng hành với DN

Chia sẻ tại Diễn đàn “Báo chí và DN thời hội nhập” do Hội Nhà báo Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/6, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định, chủ trương của Đảng và Chính phủ coi DN là động lực quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam đang hướng tới là một “quốc gia khởi nghiệp”, để thúc đẩy quá trình này không thể không kể tới vai trò quan trọng của báo chí.

Có thể nói, nhiều vướng mắc, khó khăn của DN nhờ báo chí lên tiếng đã được chính quyền địa phương kịp thời giải quyết, tháo gỡ, tạo điều kiện để DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhiều tấm gương doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công đã được báo chí tuyên dương trên các ẩn phẩm báo chí, trở thành tấm gương khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ cả nước học hỏi, qua đó nhân rộng thêm những DN dân doanh cho đất nước. Mặt khác, cũng qua báo chí, những vụ việc làm ăn phi pháp, chụp giật của DN bị đưa ra ánh sáng, là “câu chuyện pháp đình” để người dân và các DN đọc và rút ra bài học…
Quang cảnh Diễn đàn “Báo chí và DN thời hội nhập”. Ảnh: Thu Trang
Quang cảnh Diễn đàn “Báo chí và DN thời hội nhập”. Ảnh: Thu Trang
Như vậy có thể thấy đối với DN, báo chí chính là cầu nối hữu hiệu giữa DN với Nhà nước và cộng đồng. Do đó, “Doanh nhân và nhà báo là hai lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, vừa là bạn đồng hành thân thiết, vừa tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Cùng thể hiện trách nhiệm

Ở góc độ DN, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng, báo chí và DN cần có trách nhiệm với nhau, DN có trách nhiệm nói đúng và báo chí cũng cần chịu trách nhiệm nếu truyền đạt thông tin sai. Cá nhân nhà báo làm sai cũng phải dám chịu trách nhiệm. Theo ông Đoàn, cộng đồng DN hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Làm kinh doanh ở Việt Nam rất khó, nguy cơ rủi ro rất cao do vậy, nếu DN được báo chí ủng hộ sẽ có thêm nhiều tâm huyết để hoạt động” – ông Đoàn chia sẻ. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều DN cũng sợ gặp báo chí vì sợ mời quảng cáo, sợ bị lộ thông tin…

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận, hiện có nhiều cơ quan truyền thông có trình độ tổ chức tòa soạn tốt, nhiều phóng viên có chuyên môn nghiệp vụ cao. Tuy nhiên gần đây xuất hiện một số cơ quan truyền thông đưa thông tin chưa chính xác làm ảnh hưởng tới DN, nhiều bài báo còn chung chung, trùng lặp, ít thông tin chuyên sâu… Do đó, ông Thanh kiến nghị, việc quy hoạch báo chí cần hướng tới có nhiều tờ báo chuyên sâu, phóng viên cũng cần đầu tư công sức, thời gian để có bài báo chất lượng, có thể kết nối tốt DN với cơ quan công quyền.

Để báo chí thực sự là bạn đồng hành của DN thì các nhà báo cần không ngừng nâng cao đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các DN cần cởi mở chia sẻ thông tin kịp thời, chính xác tới báo chí. “Nhà báo và DN cần trao đổi thẳng thắn để thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 bên, vì lợi ích của 2 bên” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Trong cuộc gặp gỡ đoàn nhà báo tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Mục đích của cuộc gặp gỡ này là thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp, sự hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa báo chí và DN vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước”. Đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì sự công khai, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng bấy nhiêu. Đây là tiếng nói của công luận, là sức mạnh của báo chí. Sức mạnh này để phục vụ sự phát triển đất nước, trong đó góp phần xây dựng đội ngũ DN Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Thủ tướng mong muốn báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn chia sẻ với DN về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; cổ vũ, động viên các DN, doanh nhân phát huy sáng tạo; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân lớn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần