“Sức khỏe” của doanh nghiệp yếu
Suốt từ đầu năm 2022 đến hết quý I/2023 thị trường bất động sản luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân. “Nghèo nàn, kém hấp dẫn, thiếu hụt” là những từ chính xác để mô tả về thực trạng nguồn cung trong thời gian qua.
Đi cùng với việc thiếu nguồn cung thì nguồn cầu cũng sụt giảm mạnh, thị trường BĐS luôn trong trạng thái “thiếu vắng” khách hàng, bởi sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn, thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng. Niềm tin vào thị trường BĐS của khách hàng ngày càng sụt giảm, cộng thêm khó khăn trong việc vay vốn mua BĐS cũng tác động không nhỏ tới sức mua.
Thời điểm này các DN đầu tư, kinh doanh BĐS đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài. Động lực sống khiến các DN vẫn đang cố gắng “vùng vẫy, quẫy đạp” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Trong khi sức chống đỡ có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt.
Các DN BĐS còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO...
Đáng quan ngại, sự suy giảm của thị trường BĐS đã kéo theo ảnh hưởng của các ngành nghề khác. Thị trường đang tồn tại tứ giác liên thông: bảo hiểm - ngân hàng - chứng khoán - BĐS liên quan chặt chẽ với nhau. Khó khăn của thị trường BĐS nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây hệ lụy xấu đến các lĩnh vực còn lại và cả nền kinh tế. Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành BĐS thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…
Phản ánh thông tin đa chiều
Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện tại, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc hỗ trợ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển một cách minh bạch, bền vững, nhanh chóng. Báo chí truyền thông đóng vai trò là cầu nối giúp phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chuyển tải những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng nhà đầu tư, DN, người tiêu dùng đến cơ quan quản lý, giúp thông tin được phản ánh hai chiều.
Bên cạnh đó, cơ quan thông tấn, báo chí còn cung cấp những tin tức, bài viết với góc nhìn đa chiều, đánh giá, phân tích về những vấn đề trên thị trường BĐS tới nhà đầu tư, DN, người tiêu dùng và cơ quan quản lý, góp phần làm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, có tính dự báo đối với thị trường BĐS Việt Nam.
Tuy nhiên, để vai trò này đi đúng hướng, góp phần tích cực vào việc định hướng, phát triển thị trường một cách lành mạnh, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tôn trọng sự thật, phản ánh một cách trung thực các vấn đề của thị trường, tránh hiện tượng giật tít “câu view”, gây hoang mang dư luận. Thường xuyên cập nhật thông tin, bảo đảm tính thời sự và kịp thời. Việc khai thác, phản ánh thông tin một cách đa chiều, để độc giả có đủ căn cứ nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề một cách chắc chắn. Hỗ trợ tối đa việc truyền tải thông tin hữu ích, góp phần củng cố, phát triển thị trường.
Đặc biệt, báo chí nên đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ động các thành phần của thị trường, tích cực hưởng ứng hoạt động theo đúng định hướng của Chính phủ, tuân thủ đúng điều luật, chẳng hạn môi giới BĐS cần thi chứng chỉ để hành nghề một cách chuyên nghiệp và tạo dựng niềm tin cho khách hàng cũng như phản ánh thông tin từ nhiều nguồn chất lượng và chính thống (cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia trong mọi lĩnh vực, DN, khách hàng, nhà đầu tư…) để làm phong phú thông tin, dữ liệu liên quan đến thị trường BĐS.