Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí với sứ mệnh “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”

Uyên Nhật
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 99 năm qua, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, báo chí còn là kênh thông tin đáng tin cậy để người dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, góp phần nhân rộng, lan tỏa cái tốt, cái đẹp, trở thành vũ khí sắc bén đẩy lùi tiêu cực, sai trái.

Nhân lên những điều tử tế

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí, đó là: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Có thể thấy, hiệu quả của thông tin báo chí đã được phát huy mạnh mẽ và trở thành sức mạnh to lớn, góp phần định hướng dư luận xã hội, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến với Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 14/12/2023.Ảnh: Thanh Hải
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến với Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 14/12/2023.Ảnh: Thanh Hải

Trước yêu cầu của bối cảnh mới, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, mô hình mới. Việc tuyên truyền gương người tốt việc tốt có vai trò quan trọng trong giáo dục, định hướng nhận thức và hành động của người dân, cộng đồng; là cách giới thiệu, lan tỏa "những bông hoa đẹp trong vườn hoa dân tộc".

Việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được phản ánh sinh động, sâu sắc, tạo khí thế hăng hái thi đua trong toàn xã hội.

Nhiều cơ quan báo, đài từ T.Ư đến địa phương thường xuyên duy trì các chuyên mục, các tuyến bài, loạt bài chuyên sâu cùng nhiều hình thức thể hiện phong phú, hiện đại, góp phần hình thành hệ thống giá trị về tính nhân văn, hun đúc, khơi dậy tinh thần nhân ái; nâng cao tính tự giác, sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy, tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng những mặt tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội không chỉ có ý nghĩa to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, mà còn là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước ngày nay.

“Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” luôn là phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác tuyên truyền nhằm xây dựng một xã hội tích cực, tiến bộ, nhân văn.

Đơn cử, trải qua 3 năm cả chống dịch Covid-19 và sau đó là phục hồi kinh tế - xã hội, báo chí đã đồng hành cùng đất nước trong những lúc khó khăn nhất, cổ vũ tinh thần tương thân tương ái, tự lực, tự cường và truyền cảm hứng đến hàng triệu trái tim người Việt.

Nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”.

Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.

Từ đó đến nay, hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện, tấm gương đã được viết lên, truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho cộng đồng, có giá trị thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Tại Hà Nội, hàng năm, Hội Nhà báo TP Hà Nội đều tổ chức cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” với sự hưởng ứng tham gia tích cực của các đơn vị thuộc TP và các cơ quan báo chí.

Mỗi năm, Ban Tổ chức đều nhận được hàng trăm tác phẩm báo chí của các cơ quan báo, đài trên địa bàn TP và hàng nghìn bài viết từ các quận, huyện, sở, ban, ngành... Chất lượng các bài viết cũng ngày một nâng cao, bám sát thực tế cuộc sống, phương pháp thể hiện phong phú, sáng tạo, phát hiện được nhiều nhân tố mới, gương sáng trong cuộc sống.

Đó là những tấm gương về cán bộ công chức tận tụy với công việc, tận tâm với nghề, có nhiều sáng kiến trong thực thi công vụ, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; các cán bộ chiến sĩ công an không quản ngại ngày đêm, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; các thầy cô giáo tâm huyết, có nhiều sáng kiến trong phương pháp dạy và học; những tấm gương học sinh nghèo vượt khó, nỗ lực vươn lên học tập và đạt nhiều thành tích; những Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí dù tuổi cao vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương…

Không lùi bước trước cái xấu

Không chỉ là “cầu nối” lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế trong xã hội, với vai trò đặc biệt của mình, báo chí có nhiệm vụ đi tiên phong, phát hiện, phản ánh, phê phán những vấn đề tiêu cực, kiên quyết đấu tranh với cái xấu.

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có kết quả nổi bật, đột phá mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của báo chí. Báo chí vừa là tai mắt của Ðảng, vừa là cầu nối giữa Ðảng với Nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn.

Nhiều bài viết đã có sự tác động mạnh mẽ đến hàng triệu độc giả, giúp người dân nhận thức rõ hành vi sai trái của các đối tượng, đồng thời, cảnh báo, răn đe những hành vi tương tự có thể xảy ra.

Nhiều tác phẩm báo chí phòng, chống tham nhũng được đăng tải ở các cơ quan báo chí, trên nhiều diễn đàn chính thống, đặc biệt là Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức trong nhiều năm qua đã chứng minh một tinh thần không lùi bước trước cái sai, cái xấu và quan điểm đi đến cùng sự việc.

Rõ ràng, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Ðiều 75. Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội".

Đánh giá vai trò của báo chí trong giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.