Biết bẩn… vẫn ăn Hà Nội có hơn 26.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố, tỏa tới từng ngõ, ngách, từ nội thành đến các huyện ven đô, đa phần đều là các hàng ăn tự phát, tạm bợ. Như tại khu vực chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), cách 2 – 3m lại có một “quán ăn di động”. Theo quan sát của phóng viên, nguồn nguyên liệu mà các chủ hàng sử dụng đều được lấy ra từ những túi nilon không tem mác, nhãn hiệu. Thậm chí, những mặt hàng được khuyến cáo phải bảo quản trong nhiệt độ thấp như chả cá viên, xúc xích, vẫn được bảo quản “mở” dưới thời tiết Hè, có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40oC. Biết vậy, nhưng thực khách của các quán ăn này – chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường đại học, cấp ba lân cận - vẫn tấm tắc khen ngon. Cầm xiên nem chua rán chấm vào bát tương ớt đỏ quạch mà chủ hàng vừa rót ra từ một can nhựa 2 lít không tem mác, Đặng Quang Ch. (sinh viên năm thứ 2, Học viện Báo chí&Tuyên truyền) cho biết, đồ ăn ở đây vừa ngon, vừa hợp với túi tiền sinh viên và dù biết là không đảm bảo vệ sinh nhưng "khuất mắt trông coi".
Gần 12 giờ trưa, các quán cơm bình dân trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tấp nập người ra kẻ vào. Thức ăn được bày vào khay để trong tủ kính “thiết kế mở” không có cửa. Lúc khách vắng, chủ hàng dùng kẹp để gắp thức ăn, nhưng đến giờ cao điểm, đôi tay trần của chủ quán thoăn thoắt bốc thức ăn cho khách. Bát đĩa khách dùng xong được dồn vào một cái chậu phía sân sau cửa hàng, sát đó là một rãnh nước thải lộ thiên, ruồi nhặng bâu đầy. Thậm chí, tại một quán cơm bình dân khu vực cổng Bệnh viện Nhi T.Ư, một rãnh nước thải lều phều váng mỡ và rác “án ngữ” ngay trước cửa. Sát đó là khu bếp đã bị dầu mỡ, bụi bẩn bám đen quạch. Đáng ngại là các khay đựng thức ăn được dồn lại và rửa dọn trong một nhà vệ sinh chưa đến 3m2, mà sát vòi rửa là bệ xí ngồi đã cáu vàng. Tạm bợ như vậy, mà giá của một suất ăn cũng 25 - 35 ngàn đồng. Chị Nguyễn Hồng Xuân (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đưa con đến khám ở Bệnh viện Nhi T.Ư, ngậm ngùi: “Ở quê lên chữa bệnh tốn kém lắm, không có tiền nên cứ chỗ nào rẻ thì ăn, ăn cho no bụng chứ không để ý đến vấn đề ATTP”. Thận trọng hơn, anh Đặng Hữu Hòa (Ý Yên, Nam Định) lựa chọn cháo dinh dưỡng cho con, còn anh chỉ ăn suất cơm 25 ngàn đồng với vài cọng rau muống, 5 miếng thịt kho và mấy quả cà. Anh Hòa kể, do ở trọ dài ngày để chữa bệnh cho con, có hôm anh giật mình khi thấy chủ hàng đã 8 giờ tối mà vẫn "ôm" được một bọc thịt lợn to đùng. Qua con mắt nhà nông, anh Hòa chắc chắn đây là thịt ế cuối ngày được chủ hàng gom về dùng cho ngày hôm sau. Không chỉ các quán ăn ở cổng trường học, bệnh viện tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, ngay tại quán vịt B.B nổi tiếng trên đường Nguyễn Cơ Thạch (quận Nam Từ Liêm) - quán nằm giữa khu dân cư có trình độ dân trí cao, cũng đầy rẫy nguy cơ mất ATTP. Cả cửa hàng chưa đến 15m2 – thực tế chỉ là một ki-ốt bán hàng ở tầng 1 của một khu chung cư, toàn bộ được dành làm khu chế biến. Gạch sàn bếp lúc nào cũng lớp nhớp nước và mỡ, đen bụi bẩn. Tầm chiều, vịt được chặt bỏ vào chậu nhôm, ướp vài ba loại gia vị xong vứt chỏng trơ không che đậy, ruồi nhặng được dịp “hả hê”. Thực khách đến ăn tại quán nếu có nhu cầu “giải quyết” đều đi qua đây, tuy nhiên ai cũng nhắm mắt cho qua. Mạnh tay xử lý Không phải đến thời điểm này, cơ quan chức năng mới “tuyên chiến” với thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP. Trách nhiệm quản lý đã rõ khi giao đầu mối quản lý chính là UBND cấp xã, phường, quận, huyện và người cụ thể chịu trách nhiệm là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND. Thậm chí, tại Hà Nội, mô hình thanh tra liên ngành ATTP đã được trao quyền đến tận xã, phường nhằm củng cố thêm cơ sở pháp lý trong kiểm tra, xử phạt đối với thức ăn đường phố. Song, thực tế triển khai, nhiều bất cập của hình thức kinh doanh di động, nhỏ lẻ, manh mún này khiến các nhà quản lý “đau đầu”.
Bà Hà Thị Lê Nhung – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, trên địa bàn quận có 715 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tuy nhiên, nhiều cơ sở nằm sâu trong ngõ ngách, tổ dân phố, không có địa điểm cố định, nên việc phát hiện, điều tra và tổ chức thanh tra xử lý vi phạm ATTP gặp khó khăn, nhất là việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra ATTP còn mỏng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ ATTP. Ông Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội thừa nhận, việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay khó kiểm soát do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động. Đa phần các quán ăn vỉa hè hiện nay, đặc biệt tại các cổng bệnh viện, trường học còn hạn chế về trang thiết bị, dụng cụ chế biến, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, theo ông Tụ, Hà Nội đã trang bị đầy đủ các bộ test nhanh ATTP cho các địa phương để có thể xét nghiệm tại chỗ đối với các mặt hàng thực phẩm, trong đó có thức ăn đường phố. “Quan trọng là các cán bộ thanh tra phải mạnh tay xử lý” - ông Tụ nhấn mạnh. Người dân còn thờ ơ còn vi phạm Bộ Y tế khuyến cáo, nếu thực phẩm đường phố không bảo đảm an toàn, có thể dẫn đến 2 nguy cơ trước mắt và lâu dài. Trước mắt, nếu thực phẩm bị nhiễm bẩn (lên men, độc tố vi khuẩn) hay thực phẩm nhiễm hóa chất (các chất tạo màu, chống thối, các chất bảo quản...), có thể gây tình trạng ngộ độc thức ăn cấp tính với các biểu hiện đau bụng, nôn và tiêu chảy, có thể có sốt hoặc không sốt. Nguy cơ lâu dài do các hóa chất được tẩm, ngâm trong thực phẩm tích tụ trong cơ thể dễ gây một số bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Biết rõ là vậy, nhưng vì thuận tiện, dễ mua, giá thành lại rẻ, nên nhiều người lại bỏ qua vấn đề sức khỏe để lựa chọn mặt hàng này. Bà Hoàng Hoài Loan – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) cho biết, có những quán ăn rõ ràng đã bị xử lý vì vi phạm ATTP, công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không hiểu vì sao người dân vẫn tìm đến. Vì vậy, theo bà Loan, bên cạnh việc tăng cường quản lý, mạnh tay xử phạt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của người dân “tẩy chay” hàng quán mất ATTP thì “cuộc chiến” cam go này mới kết thúc. Còn theo ông Tụ, chính thực khách hàng ngày đến ăn tại quán cũng có thể bằng mắt thường quan sát xem cửa hàng có đảm bảo những yếu tố cơ bản của ATTP: Có đựng riêng thức ăn sống, chín hay không; sàn nhà có sạch sẽ, đũa dùng có bị mốc hay không... Nếu biết bẩn mà vẫn "nhắm mắt" mua, sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Nghĩa là, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bài trừ thức ăn đường phố mất ATTP, không chỉ phụ thuộc vào việc kiểm soát chặt của cơ quan chức năng mà còn ở chính người tiêu dùng trong lựa chọn thực phẩm.
Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. |
Khay đựng thức ăn chưa rửa xếp bừa bãi trong nhà vệ sinh. |