Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm ATGT bắt đầu từ “bốn không, ba có”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tai nạn giao thông - cụm từ ám ảnh - đau thương và mất mát không thể nguôi ngoai trong hồi ức của mỗi gia đình có người tử nạn.

Nhiều người vẫn thường ví TNGT với chiến tranh, bởi tương quan về sự chết chóc, hiểm nguy. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. TNGT không đủ sức gây những cú sốc lớn như chiến tranh, nhưng hậu quả cũng không kém phần khủng khiếp, với hơn 30 người chết mỗi ngày.

Ý thức kém là nguyên nhân chính

Trong những năm gần đây, ATGT đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Để khắc phục hậu quả và giảm thiểu TNGT, Nhà nước đã phải đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Ủy ban ATGT Quốc gia đã luôn đưa ra những thông điệp quen thuộc mà chúng ta thường nghe, đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đường phố, cơ quan, đơn vị, nhà trường. “ATGT là hạnh phúc của mọi nhà” để nhắc nhở và cảnh tỉnh những người tham gia giao thông, để đem lại an toàn cho chính mình, cho gia đình và xã hội.
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường Thái Hà. 	Ảnh: Công Hùng
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường Thái Hà. Ảnh: Công Hùng
Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có tới 20.000 người chết vì TNGT, đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hàng trăm gia đình phải gánh chịu đau thương, mất mát. Những trẻ em mất cha, mất mẹ  không nơi nương tựa, những người bố, người mẹ mất đi những đứa con bao năm nuôi dưỡng đã trưởng thành, và do đó xã hội cũng đã mất đi những công dân tài năng, yêu nước. Những nỗi đau đó thật khủng khiếp và vô nghĩa. TNGT đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Mỗi ngày trôi qua có biết bao nhiêu sinh mạng bị đe dọa bởi TNGT. TNGT có thể đến với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, bao gồm: Cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn… Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng TNGT ở Việt Nam tăng cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới đó là ý thức người tham gia giao thông còn quá kém.

Nhìn chung, trên các tuyến quốc lộ, đô thị, một thực tế buồn hiện nay là tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến. Trước nhiều cổng trường, ai cũng có thể bắt gặp cảnh học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh đưa, đón con em đi học cũng không đội mũ hoặc mang theo mũ cho con, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng của chính con em mình. Những trường hợp thanh niên, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ thường hay được CSGT châm chước, bỏ qua, khiến các em dễ “nhờn” luật. Cần phải nghiêm khắc xử phạt các lỗi vi phạm để sau này chính thế hệ các em là những người gìn giữ nếp sống văn hóa trong giao thông.

Với phương châm “Đường ta, ta cứ đi. Hè ta, ta cứ bày”, đại bộ phận người dân mắc thói quen tùy tiện, coi thường luật lệ, thiếu ý thức tự trọng, tự giác khi lưu thông trên đường, nhất là khi vắng bóng CSGT. Không ai không sợ tai nạn, nhưng thói quen phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường... dường như luôn lấn át sự sợ hãi. Khi nỗi sợ hãi đã trở thành thứ yếu thì chuyện vi phạm pháp luật về giao thông sẽ trở thành "câu chuyện thường ngày" của không ít người.

Tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”

Vấn đề trước tiên và trên hết để giảm thiểu TNGT là việc nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bởi lẽ, đa số vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bắt nguồn từ sự tùy tiện, thiếu tự giác, cố tình vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Xây dựng văn hóa giao thông không chỉ bằng lời nói mà bằng cả những hành động cụ thể, thiết thực để hạn chế những nỗi đau về vật chất và tinh thần do TNGT gây ra.

Tiêu chí văn hóa giao thông “ba có, bốn không” cần phải là khẩu hiệu cửa miệng quen thuộc của những người tham gia giao thông. “Ba có” là có hiểu biết đầy đủ đúng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị TNGT. “Bốn không” là không uống rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT; không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như xảy ra TNGT. Các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông cũng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đường bộ như quá tốc độ, sai phần đường, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông… rồi phạt nặng để răn đe, để người tham gia giao thông hết “nhờn luật”.

Việc tiến hành triển khai văn hóa giao thông “bốn không, ba có” cần xác định lâu dài, “mưa dầm, thấm lâu” chứ không thể có hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của Nhân dân, từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm trật tự ATGT trên nhiều mặt hiện nay là tín hiệu đáng mừng. Như thông điệp “ATGT là trách nhiệm của mọi nhà”, tất cả chúng ta, mọi người dân khi tham gia giao thông hãy nhận thức sâu sắc vấn đề ATGT và bằng việc làm của mình trong chấp hành luật giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn.