70 năm giải phóng Thủ đô

Bảo đảm chất lượng nước sạch sinh hoạt: Nhiều vấn đề cần giải quyết

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tại một số khu vực đô thị vẫn bị thiếu nước sạch hoặc chất lượng nước chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, khiến người sử dụng có cảm giác bất an. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, song để giải quyết, khắc phục thế nào lại không đơn giản.

Hạ tầng không kịp đáp ứng

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, nước sinh hoạt cấp cho các đô thị hiện nay chủ yếu từ nguồn nước mặt và nước ngầm. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu mét khối, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu mét khối, tập trung chủ yếu khai thác nguồn nước mặt với 87% và nước ngầm là 13%.

Người dân sống trong ngõ 18 phố Quán Thánh (quận Ba Đình) sử dụng nước sạch tại bể chứa. Ảnh: Công Hùng
Người dân sống trong ngõ 18 phố Quán Thánh (quận Ba Đình) sử dụng nước sạch tại bể chứa. Ảnh: Công Hùng

Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Trong đó giai đoạn 2011 - 2020 về cấp nước đô thị cơ bản hoàn thành những mục tiêu, định hướng phát triển được đề ra, năm 2020, tổng công suất các nhà máy nước khoảng 10,9 triệu mét khối/ngày, tỷ lệ cấp nước đô thị đạt trên 89%. Đến năm 2022 đã tăng tổng công suất các nhà máy nước lên khoảng 12,6 triệu mét khối/ngày, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng lên 95%.

Riêng TP Hà Nội, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung đạt khoảng 1.530.000m3/ngày, đêm, tăng 633.000m3/ngày, đêm so với 2016 (897.000m3/ngày, đêm), ngoài ra còn kết nối bổ sung nguồn cấp từ Nhà máy Nước sạch Hà Nam để bổ sung nguồn cấp cho huyện Phú Xuyên.

Về mạng cấp nước, đối với khu vực đô thị của Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ số hộ dân được cấp nước sạch là 100%; những điểm thiếu nước cục bộ nay đã được cấp nước ổn định, chất lượng dịch vụ cấp nước được nâng lên, giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 25% (năm 2016) nay xuống dưới 15 %. Khu vực nông thôn triển khai các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa: từ 49,4% số hộ dân nông thôn có nước sạch thời điểm năm 2017, đến nay đã đạt khoảng 80%.

Mặc dù nguồn và mạng lưới cung cấp nước sạch đã được cải thiện rất nhiều nhưng vấn đề chất lượng nước sạch ở không ít khu vực vẫn chưa bảo đảm. Nhất là, chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị mới, khu chung cư hay tại giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như: chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amôni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác. Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập của chất thải. Hay công tác kiểm định, giám sát chất lượng nước sạch chưa thực hiện nghiêm…

Theo PGS.TS Bùi Thị An, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm như công tác quản lý, khoa học công nghệ. “Có 2 nguồn khai thác nước là nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước hiện nay đang bị ô nhiễm dẫn tới tình trạng nguồn nước đầu vào đang bị cạn kiệt. Công tác quản lý thể hiện ở việc phân cấp quản lý liên vùng, liên quốc gia; đường ống bị hư hỏng; dân số tại các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng quá nhanh. Do đó cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng dân số cơ học, dẫn tới chất lượng nước sạch chưa được bảo đảm ở một số khu vực” – PGS.TS Bùi Thị An phân tích.

PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, khi dân số cơ học của Hà Nội tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước mà cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì chúng ta buộc phải quan tâm, chú trọng đúng mức về vấn đề quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch các công trình cấp nước thì sẽ hạn chế được một số vấn đề như thiếu nước thời gian vừa qua.

Quản lý theo tiêu chuẩn còn khó khăn

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Châu - nguyên Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội, Học viện Quân y cho rằng, vấn đề cấp nước và chất lượng nước là câu chuyện muôn thuở, phía Bộ Y tế được giao xây dựng, ban hành tiêu chuẩn nước ăn uống và nước sinh hoạt, giám sát các tiêu chuẩn đó. Gần nhất, Bộ Y tế có ban hành 2 bộ tiêu chuẩn là QCVN01 là tiêu chuẩn nước ăn uống và QCVN02 là tiêu chuẩn nước sinh hoạt cho nông thôn. Khi xây dựng QCVN01, chúng ta tham khảo nhiều dữ liệu của các quốc gia phát triển nên tiêu chuẩn tương đối tốt và bảo đảm, tuy nhiên công nghệ sản xuất nước của chúng ta thì chưa tiên tiến như các quốc gia khác.

“Với bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế đã có một giải pháp đó là QCVN01 và QCVN02 được xem là một tiêu chí phấn đấu, xây dựng chất lượng theo đó. Song tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, CDC của các tỉnh sẽ lập, ban hành tiêu chuẩn nước của địa phương mình theo tiêu chuẩn của QCVN01 và QCVN02. Đối với việc cấp nước cho đô thị, để giám sát thường xuyên thì sẽ chọn những chỉ tiêu trọng điểm trong QCVN01. Tuy nhiên, để quản lý chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tôi cho rằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ”- PGS.TS Phạm Ngọc Châu nói.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, có vài khu đô thị bị cho là chất lượng nước chưa được bảo đảm, mặc dù lãnh đạo TP đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác này. Ví như, để phòng ngừa sự cố và bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, ngày 18/6/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2546/QĐ-UBND về việc bổ sung nhiệm vụ giám sát chất lượng nước sạch cho Sở TN&MT.

Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 18/12/2021 về Quy chế phối hợp giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn. Quyết định này được đánh giá là một trong những căn cứ để thúc đẩy bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô. Thế nhưng có một thực tế là, nhiều đường ống dẫn nước sinh hoạt cho người dân vũng lõi của TP đã xuống cấp nghiêm trọng nên nếu giám chặt mà hệ thống hạ tầng cấp nước không được cải tạo, thay thế thì sự nỗ lực của các cơ quan chức năng vẫn chỉ như “muối bỏ biển”.

Hy vọng, với sự nỗ lực của Hà Nội và việc bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như cơ chế giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, sẽ giúp Hà Nội và các địa phương trên cả nước có giải pháp hữu hiệu để bảo đảm chất lượng nước sạch sinh hoạt cho người dân theo đúng tiêu chuẩn quy định.

 

Mới đây, TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch về tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025. Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu tới năm 2025, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 105 - 110 lít/người/ngày; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt ít nhất 70%; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung.