Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để bảo đảm cung cầu hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Bảo đảm cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1

Cần bảo đảm cung cầu hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 - Ảnh minh họa

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên địa bàn; nắm chắc tình hình thị trường, nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời, ưu tiên củng cố, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các điểm bán hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn, ngoại thành, vùng sâu, vùng xa; tích cực đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” .

Các địa phương căn cứ tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương mình để chủ động tổ chức thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 222/TB-VPCP ngày 21/6/2012 của Văn phòng Chính phủ.

Các Tập đoàn, Tổng công ty kinh doanh những hàng hóa thiết yếu phải rà soát, đánh giá cung cầu, bảo đảm tiến độ sản xuất, nhập khẩu nhằm ổn định nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Tái cơ cấu nợ với doanh nghiệp chăn nuôi

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là thịt lợn, thịt gà, rau củ quả. Bộ này phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ để tái đàn và tăng quy mô chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, phòng chống thiên tai, giá rét để tránh xảy ra đột biến ảnh hưởng tới nguồn cung.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, bảo quản và chế biến thịt lợn đông lạnh; tái cơ cấu nợ đối với doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, chế biến thủy sản, cho vay mới để duy trì sản xuất, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Kiểm soát giá, chống buôn lậu, hàng giả

Phó Thủ tướng tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả rà soát kỹ các kế hoạch, phương án chống buôn lậu, hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm các vi phạm, hạn chế tối đa tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Được biết, hiện nay đã có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp Tết năm 2013. 18 địa phương đã thực hiện hoặc có kế hoạch ứng vốn để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết.

Mạng lưới các điểm bán hàng thuộc Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả được chú trọng phát triển để bảo đảm sự tiếp cận người dân.

Các Bộ dự báo tình hình thị trường Tết sẽ ổn định, cân đối cung cầu những hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, rau củ quả cho một số thành phố lớn, đông dân cư.