Bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu, Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, TP trên cả nước.

Thu hoạch thủy sản tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  
Thu hoạch thủy sản tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  

Năng lực tự đáp ứng còn hạn chế

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, thời gian qua, nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô vẫn được bảo đảm. Dù vậy, đối với một số nhóm hàng hóa, TP chưa thể tự cung, tự cấp. Đơn cử, nhu cầu tiêu dùng gạo mỗi năm của người dân Thủ đô vào khoảng 1,16 triệu tấn, trong khi sản lượng sản xuất của TP mới đạt khoảng 680.000 tấn/năm. Nhu cầu tiêu dùng rau củ các loại gần 1,3 triệu tấn/năm nhưng năng lực sản xuất mỗi năm của Hà Nội cũng mới dừng ở hơn 723.000 tấn.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, ngoài một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu mà TP có khả năng tự cung, tự cấp như thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm…, các nhóm lương thực, thực phẩm khác còn thiếu so với nhu cầu được khai thác từ các tỉnh, TP lân cận Hà Nội và nhập khẩu từ nước ngoài (Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Brazil…).

Cá biệt có một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng của người dân Thủ đô phải khai thác hoặc nhập khẩu hoàn toàn từ các tỉnh, TP và các quốc gia. Cụ thể, hiện nay trung bình mỗi năm, Hà Nội vẫn khai thác từ ngoại tỉnh khoảng 38.700 tấn đường, 19.300 tấn gia vị, 77 triệu lít dầu ăn và hơn 50.000 tấn thực phẩm chế biến các loại.

Bên cạnh đáp ứng đầy đủ về số lượng, chủng loại, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đều được Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm soát chặt chẽ, cơ bản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Nhiều năm qua, trên địa bàn TP không ghi nhận những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Bình ổn thị trường các mặt hàng

Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho gần 11 triệu người dân đang cư trú trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tập trung rà soát, nắm bắt các cơ sở sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; từ đó có những hỗ trợ nhằm phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm, nhất là thịt gia súc - gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến các loại.

Ngành nông nghiệp cũng tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP… Hỗ trợ nhiều DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay, cải tiến kỹ thuật sản xuất nông lâm sản và thủy sản. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để tổ chức triển khai chương trình “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn giai đoạn 2021 - 2025”, nhằm khai thác hàng hóa từ các tỉnh, TP trên cả nước, đáp ứng nguồn cung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, vừa qua, UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022. Theo đó, TP chủ trương tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản…

“Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản và thủy sản. Tích cực phối hợp với các sở ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, chống sản xuất - buôn bán hàng hóa kém chất lượng, nhằm kiểm soát giá cả và bảo đảm chất lượng các mặt hàng thiết yếu cung ứng đến người tiêu dùng Thủ đô" - ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

 

Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ vận động tối thiểu 20 cơ sở thuộc chuỗi cung cấp rau thịt an toàn tham gia Chương trình để hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định phục vụ công tác cân đối cung cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ