70 năm giải phóng Thủ đô

Bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân dịp Tết

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Tại Hội nghị về công tác bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương chủ động, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh, TP, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện tốt một số công việc cụ thể:

Theo đó, đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương cam kết bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Công Thương cam kết bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả dịp Tết Nguyên đán.

Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Phối hợp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Kiến nghị Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tại địa phương triển khai những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Công Thương và đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết. Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, TP hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Đề nghị các Bộ GTVT, Công an, Quốc phòng phối hợp với các địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Quý Mão.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết, chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết. Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.

Các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.

Các hiệp hội ngành hàng chỉ đạo doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.