Dự án vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia
Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được Liên Xô viện trợ, xây dựng từ năm 1976. Đến nay mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Trong khi đó, trụ sở tại số 47 Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng vào năm 2010 nhưng phần lớn diện tích tại đây phải chuyển đổi công năng sử dụng để phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do vậy, việc hiện đại hóa, đầu tư xây dựng, mở rộng trụ sở Bộ Công an là trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, điều hành toàn diện, mọi mặt công tác Công an, là biểu tượng sức mạnh chiến đấu của lực lượng Công an Nhân dân, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Chính sách đặc thù tái định cư bằng đất ở
Dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó GPMB, thu hồi đất là vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia được quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai năm 2013. Dự án đã có đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện công tác GPMB để xây dựng trụ sở Bộ Công an: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu TP Hà Nội tại Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 09/5/2023, được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, TP Hà Nội tại Quyết định số 4180/QĐ-BCA-H02 ngày 15/6/2023. Trong quá trình triển khai, các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được áp dụng theo đúng quy định của pháp luật; ngoài ra dự án còn có các chính sách đặc thù được UBND TP quan tâm, phê duyệt để bảo đảm quyền lợi cao nhất của các hộ dân.
Trong khi các dự án khác chỉ được tái định cư bằng căn hộ tại quỹ nhà do TP bố trí, dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu được bố trí tái định cư bằng đất ở tại khu đất tái định cư thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khu đất có diện tích 32.695m2 (trong đó có 9.894,56m2) quy hoạch đất ở, còn lại là quy hoạch đường giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh. Khu đất đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, vỉa hè, cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước... trước là để đấu giá, sau đó được chuyển đổi tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án.
Diện tích tái định cư theo quy định tối thiểu là 40m2, tuy nhiên dự án đã được UBND TP chấp thuận cơ cấu diện tích tái định cư thấp nhất là 56m2 để bảo đảm nguyên tắc nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Ngoài ra, UBND TP cũng chấp thuận chính sách tái định cư bằng nhà ở chung cư hoặc nhận tiền tự lo tái định cư để người dân có nhiều phương án lựa chọn. Khi di chuyển, UBND TP bố trí quỹ nhà tạm cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên bảo đảm điều kiện sinh sống cho người dân, thời gian sử dụng trong một năm và người dân không phải trả khoản tiền thuê nhà.
HĐND TP đã ban hành Nghị quyết đưa dự án vào danh mục công trình trọng điểm của TP, mức thưởng tiến độ đối với dự án là từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/chủ sử dụng; các dự án khác chỉ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/chủ sử dụng.
Hài hòa lợi ích người dân và lợi ích cộng đồng
Ông Chu Văn Chúc (Tập thể 151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) cho biết lý do gia đình bàn giao ngôi nhà đang ở để thực hiện dự án: “Cơ quan chức năng đã giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân bằng việc coi đây là dự án trọng điểm, từ đó đưa ra các chính sách đặc thù về hỗ trợ bồi thường cho chúng tôi”. Theo ông, đất ở có giá trị sở hữu lâu dài, làm tài sản tích lũy, phù hợp với tâm lý "ăn chắc mặc bền" của nhiều người Việt, nhất là người “có tuổi” như ông. Do được sở hữu riêng, nên chủ nhà có thể xây dựng theo ý mình.
“Khu đất tái định cư tại Mai Lâm, Đông Anh đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng nên ngay sau khi nhận đất, nhiều người đã tìm đến tôi mua lại với giá cao hơn gần 1 tỷ đồng so với giá gốc ban đầu”- ông Chu Văn Chúc chia sẻ.
Ông Ngô Văn Chương (151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc đền bù GPMB bằng đất ở thuận lợi hơn với người dân làm nghề tự do, buôn bán. Bởi căn hộ thường phù hợp hơn với các gia đình trẻ, có công việc ổn định trong cơ quan, xí nghiệp... còn với người có tuổi như gia đình ông hay với người làm nghề buôn bán, tự do thì được hỗ trợ đền bù bằng đất ở phù hợp hơn. Ông cũng nói thêm, khu đất tái định cư tại Mai Lâm, huyện Đông Anh có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch, do vậy chắc chắn sau này là nơi buôn bán, đô thị sôi động.
Về mức bồi thường, với căn hộ hơn 20m2, gia đình ông Ngô Văn Chương nhận được 3,8 tỷ đồng, trong khi giá thị trường căn hộ bán chỉ được khoảng 1,5 tỷ đồng. Ông chia sẻ thêm: “Tôi được mua đất tái định cư tại Mai Lâm, Đông Anh, vẫn còn tiền cầm về cho con cháu, như vậy là hài lòng rồi”. Cung theo ông Ngô Văn Chương, không ai muốn phải rời xa nơi mình đang sinh sống, buôn bán ổn định để đến nơi mới, nhưng vì lợi ích cộng đồng, quốc gia và mức hỗ trợ GPMB hài hòa, bảo đảm như tại dự án này, người dân, trong đó có gia đình ông, nên tuân thủ pháp luật, ủng hộ lợi ích chung.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) bàn giao căn nhà 3 tầng mà gia đình sinh sống bấy lâu nay để phục vụ dự án. Bà nói: “Việc đền bù là rất thỏa đáng nên tôi cũng là người nhận đền bù đầu tiên và bàn giao nhà luôn. Nhà tôi 3 tầng, tổng diện tích 53,5m2 được đền bù 7,9 tỷ đồng trừ tiền mua đất tái định cư ở Mai Lâm, Đông Anh, tôi còn dư số tiền 6,2 tỷ đồng. Như vậy, mình vừa góp sức cho dự án mục đích lợi ích quốc gia, vừa bảo đảm được cuộc sống”.
Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm Nguyễn An Tuyến cho biết, đến thời điểm hiện tại, tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm đã có 30/59 hộ dân chấp hành di chuyển và bàn giao mặt bằng. Việc bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện theo quy định pháp luật và được UBND TP chấp thuận, không thay đổi cơ chế chính sách. Tất cả các văn bản, quy định, thông báo, thông tin dự án, các bước thực hiện công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều được thực hiện công khai, niêm yết minh bạch theo đúng quy định, trình tự của pháp luật. UBND quận Hoàn Kiếm cũng thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, UBND phường Cửa Nam tiếp nhận, lắng nghe, đối thoại, giải đáp vấn đề người dân quan tâm, tâm tư nguyện vọng của người dân...
“UBND phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm rất mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ, chấp hành của các hộ gia đình, cá nhân. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, đóng góp vào công tác thực hiện quốc phòng an ninh của Đảng và Nhà nước” - Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm Nguyễn An Tuyến bày tỏ.
Dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là dự án vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia, trong trường hợp hộ dân không đồng thuận, vẫn cố tình không chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng, sau khi đủ thời gian 180 ngày theo quy định (26/12/2023), UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ban hành Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và tiến hành biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời theo quy định khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất các hộ dân sẽ phải di chuyển về quỹ nhà cưỡng chế tại Xuân Nộn, Đông Anh do Sở Xây dựng Hà Nội bố trí và các khoản tiền bồi thường chi phí di chuyển, thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sẽ không được áp dụng.