Bão Damrey càn quét Tây Nguyên, ít nhất 3 người chết

ĐỨC THỌ (TỔNG HỢP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều nhà dân bị tốc mái, bị sập, hàng trăm hecta cây trồng bị đổ ngã, một số tuyến đường giao thông bị chia cắt, ít nhất 3 người chết tại các tỉnh Tây Nguyên.

Chiều nay (4/11), sau khi đi qua Khánh Hòa, Phú Yên bão số 12 (bão Damrey) tiếp tục di chuyển sang các tỉnh phía Nam Tây Nguyên và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
 Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới.

Vào hồi 16h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Theo dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 12 kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, trên đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, các tỉnh Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tiếp tục có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Gia Lai: Hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái

Ghi nhận ở huyện Mang Yang, gió mạnh đã làm một số cây xanh tại thị trấn Kon Dơng, xã Đak Ji Răng… bị bật gốc hoặc gãy đổ, làm tốc mái trụ sở cũ UBND xã Đêr A, nhiều bảng hiệu tại xã ĐakJrăng cũng bị gió quật ngã. Tại Trường Trung học cơ sở Lê Qúy Đôn ( Đak Ji Răng), bảng hiệu và cây xanh bị đổ ngã.

Nhiều diện tích lúa nước vụ mùa đang chuẩn bị thu hoạch tại các xã phía Nam của huyện Mang Yang cũng đã bị gió quật ngã đổ.

Tại huyện Kông Chro, theo báo cáo sơ bộ của địa phương, toàn huyện đã có 6 căn nhà bị gió mạnh làm đổ sập hoàn toàn tại các xã Đak Sông 4 căn, Đak Pling và Sơ Ró mỗi xã 1 căn.

Bên cạnh đó, gió mạnh còn làm 37 căn nhà bị tốc mái tại các xã Đak Sông, Đak Pling, Sơ Ró, Chư Krey và Thị trấn Kông Chro, phòng học mầm non xã Đak Sông cũng bị tốc mái, gió mạnh còn làm sập đổ 30 mét tường rào bằng bê tông trụ sở Phòng Tài chính-Kế hoạch và 6m tường rào trụ sở Phòng văn hóa-Thông tin huyện.

Gió lớn trên địa bàn huyện Krông Pa cũng đã khiến 5 nhà dân sập và tốc mái hoàn toàn trong đó xã Đất Bằng 3 nhà; thị trấn Phú Túc 1 nhà; xã IaMlah 1 nhà.

Có 33 nhà dân bị tốc mái 1 phần trong đó xã Đất Bằng 21 nhà, thị trấn Phú Túc 8 nhà, xã Chư Gu 2 nhà và xã Ia Mlah 2 nhà. Được biết, hiện trên địa bàn huyện Krông Pa 523 ha mía bị ngã đổ, 25 ha lúa, 17 ha mì, 9 ha bắp bị ngập úng do nước lũ.
 Cây xanh ngã đổ tại thị trấn Kon Dơng, Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Tại các huyện khác trong tỉnh cũng ghi nhận thiệt hại do mưa bão gây ra, nhiều cây lâm nghiệp, cây bóng mát bên đường giao thông và cây điều bị gãy đổ. Đặc biệt mưa lũ làm mực nước tại các con suối dâng cao cô lập nhiều buôn tại xã Ia Rsai và 3 buôn tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa.
Đắk Lắk: 1 cụ ông tử vong khi nhà tốc mái

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh cho biết, tại huyện M’Đrắk, hàng trăm hộ dân đang bị nước lũ cô lập ở xã Krông Jin, xã Cư K’róa, đặc biệt, có khoảng 100 hộ dân có nguy cơ bị ngập tại buôn Luếch, xã Krông Jin địa phương đã tổ chức di dời đến nơi an toàn; hiện nay một số sông suối trên địa bàn bị chia cắt do nước dâng cao, một số nhà dân, trường học bị hư hỏng.

Tại huyện Krông Pắc, mưa to kèm theo gió giật mạnh, làm cho hàng trăm ha cây trồng vụ mùa bị thiệt hại, nhiều cây xanh trên Quốc lộ 26 bị gãy đổ, làm hư hỏng nhiều nhà cửa.

Tại huyện Ea Kar, 14/16 xã phải cúp điện để bảo đảm an toàn do nhiều trụ điện bị đổ, hư hỏng; 43 nhà dân bị tốc mái; 2 hộ phải sơ tán do nhà có nguy cơ bị sập; thôn 11 xã Cư Yang có 23 hộ dân bị cô lập do đường vào thôn bị chia cắt (cống qua đường bị cuốn trôi); 600 ha cây trồng các loại bị đổ gãy. Trong đó, riêng xã Cư Prông, tính đến 12h30, ngày 4/11, gió lớn đã làm khoảng 200 ha hoa màu bị hư hại, nhiều cây công nghiệp bị gãy đổ và 14 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn.

Tại huyện Krông Năng, có 4 nhà dân bị tốc mái; 1 nhà bị sập và một số diện tích cao su bị đổ gãy.
 Một tuyến đường tại huyện M'Đrắk, Đắk Lắk bị ngập. Báo Đắk Lắk.

Còn tại huyện Krông Bông, lượng mưa lớn kèm theo gió mạnh tập trung ở các xã Yang Mao, Cư Đrăm làm tốc mái nhà dân, một số cột điện bị đổ, nghiêng không bảo đảm an toàn nên ngành điện cắt điện khu vực này.

Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện Krông Bông có trên 780 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 140 nhà bị sập hoàn toàn; 1 người bị thương (ở xã Cư Drăm) do cây đổ và 1 người bị thiệt mạng.

Nạn nhân là ông Y Soah Niê (SN 1945, xã Yang Mao) do tuổi cao, sức yếu, mắt kém nên không thể di chuyển kịp thời khi nhà tốc mái.
Lâm Đồng: 2 người chết

Theo ghi nhận, tại Hồ thủy điện Krông Nô 2 và 3 đang xả nước 200m3/s cuốn trôi 1 cầu từ Đạ Tông đi xã Đạ Long, huyện Đam Rông. Huyện Lạc Dương đã có 2 người chết nhưng chưa xác minh được nhân thân và địa điểm, nhiều nhà bị sập.

Tại thành phố Đà Lạt, nhà của hộ anh Nguyễn Văn Doanh khoảng 70m2 và nhà của hộ chị Trần Thị Ngọc Yến khoảng 60 m2 , cấp 4, tường xây mái lợp tôn đều thuộc số nhà 6/2, tổ 14, phường 6, thành phố Đà Lạt bị cây thông cao hơn 30 mét, đường kính gốc hơn 50 cm đổ ập xuống mái nhà vào các vị trí giường ngủ, bếp nấu ăn...

Thống kê ban đầu có 10 cây trên địa bàn thành phố Đà Lạt ngã đổ. Huyện Đam Rông cũng có 7 nhà đã bị tốc mái.

UBND Huyện Lạc Dương cho biết, đã có 18 nhà đã bị tốc mái, thuộc địa bàn 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais. Chính quyền địa phương các xã đã triển khai di dời người sang nhà khác và che chắn đồ đạc trong nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần