Ngày 1/11, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ với sự tham dự của đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, các địa phương, chuyên gia và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà thông tin, mặc dù các bộ, ngành Trung ương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tích cực thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ bảo đảm thực hiện quyền trẻ em nhưng hiện nay cả nước vẫn còn khoảng hơn 5 triệu trẻ em nghèo theo phương thức đa chiều.
Trong đó, tỷ lệ nghèo cao nhất là về vui chơi giải trí, sức khỏe và nước sạch. Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em còn thấp, đặc biệt là trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí của trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn còn thiếu điểm vui chơi cho trẻ em.
Bên cạnh đó, do nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và các điều kiện tự nhiên, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ vẫn còn nhiều gia đình rất khó khăn vào mùa đông giá rét, con em các đồng bào dân tộc thiểu số không có đủ quần áo ấm để mặc, chăn ấm để đắp.
Đáng chú ý, vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Trong 2 năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 4.912 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%.
“Vẫn còn những vụ việc bị phát hiện muộn, thiếu một số các chế tài để kết tội. Bản thân trẻ em, người lớn thiếu kỹ năng phòng ngừa xâm hại bạo lực. Chúng ta vẫn còn những khoảng trống trong vấn đề xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em trai” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Để giải quyết các thách thức trên, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Kế hoạch Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, năng lực phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp, vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em của gia đình, trẻ em, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu hình thành chuẩn mực xã hội và tập quán ứng xử đối với trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.