Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động cho bóng đá Việt Nam từ giải hạng Nhất 2024/2025

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bóng đá Việt Nam đứng trước báo động khi 4 mùa giải liên tiếp ở giải hạng Nhất đều có đội bỏ giải. Nguyên nhân dẫn đến việc các đội bóng giải thể hay bỏ giải là... thiếu tiền.

Hoãn bốc thăm, xếp lịch thi đấu 2 lần

Sau khi mùa giải 2023/2024 khép lại, hàng loạt đội bóng ở giải hạng Nhất đã gặp những vấn đề nội bộ và chưa rõ tương lai sẽ như thế nào, thậm chí nhiều CLB có nguy cơ giải thể, không tham dự mùa giải mới. Tuy nhiên, kế hoạch tổ chức mùa giải 2024/2025 vẫn được đưa ra khi có 12 đội tham dự, với 1,5 suất lên hạng chơi V-League 2025/2026 và 1 suất xuống hạng. Những khó khăn đã liên tiếp đến với Ban Tổ chức khi giải đấu sắp diễn ra. 

CLB Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính và phải thi đấu ở hạng Nhất 2024/2025. Ảnh: Ngọc Tú
CLB Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính và phải thi đấu ở hạng Nhất 2024/2025. Ảnh: Ngọc Tú

Ngày 14/8, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gửi công văn đến 4 CLB là Đồng Nai, Định Hướng Phú Nhuận, Khánh Hòa và Long An, đề nghị trả lời thông tin đăng ký tham dự mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2024/2025 khi đã hết thời hạn đăng ký và các CLB có thời gian phản hồi là trước 17 giờ ngày 19/8.

Theo đó, Long An và Định Hướng Phú Nhuận xác nhận không tham dự mùa giải. Ngoài ra, Khánh Hòa và Đồng Nai nhiều khả năng cũng nối gót 2 đội còn lại. Nếu như trường hợp cả 4 đội không tham dự, giải hạng Nhất 2024/2025 chỉ còn 8 đội gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Hòa Bình, Huế, Phù Đổng Ninh Bình, PVF-CAND, Thanh niên TP Hồ Chí Minh và Bình Phước.

Ngày 20/8, tin vui đến với VPF và người hâm mộ Đồng Nai và Khánh Hoà khi cả 2 xác nhận tham dự giải hạng Nhất 2024/2025. Điều này đồng nghĩa, giải hạng Nhất 2024/2025 còn 10 đội, sẽ tiếp tục giữ thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt, sân nhà và sân khách, cũng như số suất thăng và xuống hạng.

Trước đó VPF đã phải chuẩn bị phương án thay đổi thể thức nếu Khánh Hòa và Đồng Nai bỏ giải. Tuy vậy, VPF vẫn chưa thể tổ chức lễ bốc thăm, xếp lịch thi đấu đối với giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia do căn cứ tình hình thực tiễn việc triển khai công tác chuẩn bị trước mùa giải 2024/2025 của các CLB hạng Nhất cũng như hướng tới tạo điều kiện để các CLB ở hạng đấu này có thêm thời gian hoàn thiện công tác chuẩn bị.

Sau lần tạm hoãn đầu tiên, đến nay cả 2 giải đấu hạng Nhất và Cúp Quốc gia vẫn chưa thể thực hiện bốc thăm, xếp lịch thi đấu. Ngày 27/8, VPF tiếp tục có công văn gửi đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng 24 đội V-League và hạng Nhất quyết định tạm hoãn thời gian tổ chức bốc thăm, xếp lịch thi đấu lần thứ 2.

Quyết định đưa ra lần này diễn ra trong bối cảnh CLB Long An được tiếp tục tham dự mùa giải 2024/2025 dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) đề xuất tài trợ kinh phí, còn HAGL cho mượn các cầu thủ U21. Phía Sở VHTT&DL tỉnh Long An sẽ báo cáo và dựa vào chỉ đạo từ lãnh đạo của địa phương để đưa ra những quyết định tiếp theo. Việc tạm hoãn bốc thăm, xếp lịch thi đấu giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia được cho là để chờ CLB Long An “quay xe”.

Nỗi ám ảnh vì... thiếu tiền

Việc VPF tạm hoãn phần bốc thăm, xếp lịch thi đấu giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia 2024/2025 được cho phù hợp với thực tiễn, nhưng cũng đồng thời mang đến nỗi lo nhiều hơn với những người làm công tác tổ chức lẫn người hâm mộ. Bởi theo kế hoạch, Cúp Quốc gia dự kiến khởi tranh vào đầu tháng 10, nhưng ngày 29/10, giải hạng Nhất quốc gia thi đấu, tức còn khoảng 2 tháng cho các CLB chuẩn bị, bao gồm về mặt nhân sự lẫn tìm kiếm nhà tài trợ để duy trì hoạt động.

Những biến động trong thời gian qua cho thấy, bóng đá Việt Nam không tạo được nền tảng phát triển. Thậm chí còn đi ngược lại xu hướng khi ngày càng nhiều đội bỏ giải, dù lúc thăng lúc trầm khiến giải hạng Nhất ít đội hơn giải đấu cao nhất là V-League. Từ mùa giải đầu tiên tổ chức năm 2000/2001 có 12 đội tham dự, có thời điểm giải đấu tăng lên 14 đội nhưng cũng có lúc giảm xuống còn có 8 đội trong 3 mùa liên tiếp 2013, 2014 và 2015. Đặc biệt, mùa giải 2017 chỉ còn có 7 đội tham dự, ít bằng một nửa số lượng đội ở V-League 2017.

Đáng báo động hơn khi 4 mùa giải qua, năm nào giải hạng Nhất cũng chứng kiến 1 - 2 đội bỏ giải. Dù các đơn vị liên quan nỗ lực nhưng cũng không thể kéo số lượng đội tham dự giải hạng Nhất lên con số 14 như mong muốn. Nguyên nhân chính khiến các đội giải thể, bỏ giải đầu tiên… là tiền.

Khi kinh tế khó khăn, không có tiền để duy trì đội bóng thì các CLB rời cuộc chơi là điều dễ hiểu. Những “tượng đài” bóng đá của Việt Nam như: Ninh Bình, Than Quảng Ninh hay Sài Gòn,  Cần Thơ cũng gặp phải những điều tương tự.

Hơn 20 năm chuyển đổi mô hình bóng đá chuyên nghiệp, nhưng thực tế bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chiến lược phát triển chưa thoát khỏi lối mòn. Cụ thể, các CLB thi đấu ở V-League được Nhà nước nuôi sống bằng ngân sách không còn, bắt buộc phải chuyển sang mô hình DN để đúng với lộ trình. Tuy nhiên, không phải CLB nào cũng có thể lấy bóng đá nuôi bóng đá, điều này dẫn đến hệ lụy “thích thì chơi và khi chán thì bỏ”.

Theo Điều 7 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, CLB không đáp ứng đủ điều kiện dự giải hạng Nhất, sẽ bị chuyển xuống hạng đấu thấp hơn phù hợp. Các CLB này có thể được thay thế bằng CLB ở hạng dưới đáp ứng đầy đủ điều kiện, và có thứ hạng liền kề CLB không đáp ứng ở mùa trước. Những bài học nhãn tiền cho bóng đá Việt Nam ở các mùa giải qua đặt ra yêu cầu VFF, VPF phải tính đến các phương án để giải đấu được diễn ra, tạo sự hứng khởi cho các CLB cũng như hâm mộ.

 

Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã có văn bản gửi CLB Khánh Hòa và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc kết thúc vụ tố tụng của cầu thủ Mamadou Guirassy với CLB Khánh Hòa. FIFA nêu rõ đã nhận được xác nhận từ cầu thủ Guirassy về khoản nợ được CLB Khánh Hòa thanh toán theo quyết định FPSD-14183. Vì vậy, lệnh cấm CLB Khánh Hòa đăng ký cầu thủ mới sẽ được gỡ bỏ. Số tiền CLB Khánh Hòa nợ Guirassy là 27.900 USD (khoảng 700 triệu đồng).