Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động công tác phòng chống bom mìn sau chiến tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quả bom phát nổ tại Văn Phú (Hà Đông) vừa qua chắc chắn sẽ không ra hàng đồng nát và gây tai nạn kinh hoàng, nếu những người tìm ra nó khi giao nộp đúng pháp luật, sẽ được hỗ trợ số tiền ngang bằng hoặc cao hơn với giá đồng nát

Báo động công tác phòng chống bom mìn sau chiến tranh - Ảnh 1Quả bom phát nổ tại Văn Phú (Hà Đông) vừa qua chắc chắn sẽ không ra hàng đồng nát và gây tai nạn kinh hoàng, nếu những người tìm ra nó khi giao nộp đúng pháp luật, sẽ được hỗ trợ số tiền ngang bằng hoặc cao hơn với giá đồng nát - Đó là khẳng định của Thiếu tướng, anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Ông nhìn nhận thế nào về vụ nổ xảy ra ở Văn Phú cuối tuần qua?

- Trải qua các cuộc chiến liên tục, tổng số thời gian mà Việt Nam phải chịu những trận rải bom mìn lên đến hơn 4 thập kỷ. Bom mìn hiện nay nằm ở khắp nơi mà ta chưa có đủ điều kiện phát hiện và vô hiệu hóa chúng. Vì thế, có thể nói bất cứ nơi nào trên cả nước, những tai nạn thương tâm như tại Văn Phú (Hà Đông) vẫn luôn thường trực và rình rập. Qua xem xét hiện trường vụ nổ, với những kinh nghiệm chiến đấu và số liệu khoa học, tôi khẳng định trái bom phát nổ tại Văn Phú là loại bom 100kg. Rõ ràng một trái bom nặng 100kg không thể giấu kín trong suốt quá trình từ khi phát hiện đến lúc có mặt tại Hà Nội, bị cắt ra để rồi phát nổ.

Với trái bom lớn như vậy, không thể có chuyện người ta không biết đến sự tàn phá kinh hoàng của nó. Biết trái bom có sức hủy diệt như thế, tại sao người ta lại không giao nộp cho chính quyền, cơ quan chức năng mà lại bán ra hàng đồng nát? Đó đơn giản chỉ vì khi bán ra hàng đồng nát, người dân thu về được ngay số tiền nhiều hơn rất nhiều nếu đem giao nộp, rồi lại phải chờ rất lâu để được tiền hỗ trợ.

Như vậy để những trái bom không tự do đi đến những kho đồng nát, cơ quan quản lý phải chấp nhận quy luật cạnh tranh trong thị trường này. Hay nói đơn giản là Nhà nước sẽ mua bom mìn cao hơn giá đồng nát?

- Thực ra chỉ đơn giản là như vậy. Người dân Việt Nam mình có lòng tự giác, tự nguyện rất cao, tuy nhiên đói nghèo là kẻ thù khiến lòng tự nguyện bị nguội lạnh. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận hành động theo quy luật kinh tế thị trường thì việc thu gom, khống chế bom mìn mới có hiệu quả.

Trong những năm qua, sức người, sức của đổ vào cuộc chiến chống bom mìn tại Việt Nam rất lớn. Khi bước vào cuộc chiến thì đã có tình huống vô lý khó tưởng tượng nổi. Người dân thay vì tránh xa bom mìn thì lại chủ động tìm đến với bom mìn, đào lên mang về nhà, mua qua bán lại, cưa cắt... gây ra biết bao tai nạn thảm khốc. Cái gốc của sự phi lý khó tưởng tượng này là tiền. Vì thế, nếu chỉ vận động lòng tự giác của người dân, sẽ có nhiều thiệt hại hơn nữa trong cuộc chiến bom mìn bây giờ và sau này.

Tại Việt Nam, những khó khăn trong việc khống chế bom mìn sau chiến tranh không chỉ là những yếu kém về kinh tế mà còn là phương thức thực hiện?

- Ngày 22/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (viết tắt là Ban Chỉ đạo 504). Ban chỉ đạo này với sự tham gia của nhiều bộ ngành, có tầm ảnh hưởng và khả năng tài chính cao, tuy nhiên chỉ hoạt động ở tầm vĩ mô, chưa có những nghiên cứu và những chính sách mới phù hợp với thực tế đặt ra. Việc một trái bom nổ tại Hà Nội vừa rồi là một minh chứng đáng báo động trong việc phòng chống bom mìn sau chiến tranh của ta. Ngày 12/11/2014, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (VNASMA) được thành lập với nòng cốt là các cựu tướng lĩnh quân đội từng lăn lộn qua nhiều chiến trường. Đây là những người có tâm huyết, có kinh nghiệm, chuyên tâm vào công tác, tuy nhiên kinh phí để họ hoạt động trông chờ vào sự vận động các tổ chức, cá nhân, DN hỗ trợ. Nếu có sự đầu tư đúng đắn với kinh phí hợp lý, VNASMA sẽ hoạt động hiệu quả.

Mục tiêu tới đây là thành lập các chi hội trên toàn quốc để tiến hành chương trình khắc phục hậu quả bom mìn có hiệu quả sâu rộng, triệt để, sát thực tế hơn. Nếu được cho phép và đủ nguồn lực thì chi hội VNASMA tại các địa phương sẽ là điểm đến của những người dân muốn tự nguyện giao nộp bom mìn sau chiến tranh. Còn hiện nay, việc giao nộp chồng chéo với nhiều đơn vị tham gia khiến người dân không hào hứng, ngay cả khi có mức hỗ trợ cao.

Xin cảm ơn ông!