Báo động hành vi sai phạm trong hoạt động vận tải taxi tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tính đến tháng 11/2009, thành phố có 107 DN hoạt động vận tải hành khách bằng taxi (tăng 24 DN so với năm 2008), với tổng lượng xe hơn 10.000 chiếc. Bình quân mỗi ngày, lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý khoảng 10 xe taxi vi phạm.

KTĐT - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê, đến tháng 11/2009, thành phố có 107 doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách bằng taxi (tăng 24 doanh nghiệp so với năm 2008), với tổng lượng xe hơn 10.000 chiếc. Thời gian qua, bình quân mỗi ngày, lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý khoảng 10 xe taxi vi phạm.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang báo động về các hành vi sai phạm trong hoạt động vận tải khách bằng taxi tại Hà Nội. Chỉ trong 5 tháng từ tháng 6 - 10, thanh tra liên ngành giao thông-công an thành phố mở rộng kiểm tra đã phát hiện, xử lý trên 1.200 xe taxi vi phạm và hiện tạm giữ khoảng 80 xe.

Trước thực trạng này, từ nay đến Tết Nguyên đán 2010, lực lượng liên ngành tiếp tục tăng cường các đợt kiểm tra tại doanh nghiệp, nhằm hạn chế các sai phạm.

Vi phạm nhìn đâu cũng thấy

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê, đến tháng 11/2009, thành phố có 107 doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách bằng taxi (tăng 24 doanh nghiệp so với năm 2008), với tổng lượng xe hơn 10.000 chiếc.

Thời gian qua, bình quân mỗi ngày, lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý khoảng 10 xe taxi vi phạm.

Qua kiểm tra cho thấy, xe taxi của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh Đông Bắc Bộ, Cổ phần Vạn Xuân, Du lịch Quốc tế Ngôi sao, Cổ phần Dầu khí Đông Dương... hay mắc các lỗi vi phạm như ký hợp đồng thuê điểm đỗ xe nhưng kiểm tra lại không đủ các điều kiện để làm nơi đỗ xe giao nhận ca.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp taxi còn sử dụng quá thời gian lao động của lái xe (quá 10 giờ/ngày), không thực hiện việc giao nhận ca, hết hợp đồng lao động...

Trong tổng số hơn 1.200 xe bị xử lý nêu trên có tới 98% số xe dừng đỗ sai quy định, người điều khiển phương tiện không đủ tuổi, “móc túi” khách hàng bằng chip điện tử, đặc biệt có cả những trường hợp không đăng ký kinh doanh.

Đáng buồn là vẫn tồn tại hiện tượng lái xe taxi sử dụng các thiết bị điện tử để gian lận giá cước. Theo thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội, lái xe chỉ cần sử dụng một thiết bị tạo “xung” gắn vào đường dây trước đồng hồ tính tiền, thiết bị này hoạt động bởi một điều khiển từ xa có kiểu dáng giống nhiều loại khóa điện tử của ôtô, khi thuận tiện, lái xe chỉ cần “bí mật” nhấn nút là đồng hồ tính tiền sẽ tự động nhảy vòng tua nhanh hơn bình thường mà hành khách khó có thể phát hiện ra.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp, xe của doanh nghiệp đã được cấp phù hiệu taxi nhưng sau đó lái xe gỡ bỏ logo doanh nghiệp mình, giả mạo, làm nhái logo gắn nam châm để dễ thay thế, lái xe mặc đồng phục của doanh nghiệp khác gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách và uy tín của hãng taxi khác...

Tình trạng phát triển “nóng” hoạt động taxi tại Hà Nội thời gian qua không chỉ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp taxi, mà còn là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô.

Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Thạch Như Sỹ bức xúc: “Trong khi thành phố đang phải cắt xén từng mét vuông vỉa hè để mở rộng đường thì tình trạng lái xe taxi đỗ dừng bừa bãi dưới lòng đường, việc gắn chíp gian lận cước là không thể chấp nhận. Cứ đổ lỗi cho hạ tầng, công tác quản lý nhưng nếu hàng trăm xe taxi đỗ dừng bừa bãi thì không có giải pháp giảm ùn tắc nào đạt hiệu quả”.

Tập trung thanh tra 12 doanh nghiệp taxi

Trước thực tế trên, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Dần, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ thanh tra 12 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi có số lượng từ 10 xe trở lên tái vi phạm trong đợt kiểm tra vừa qua.

12 doanh nghiệp bị thanh tra gồm: Công ty Cổ phần Taxi Hà Nội, Cổ phần vận tải Đông Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mê Tan-Công ty Cổ phần thương mại Việt Nam, Cổ phần Thăng Long, Cổ phần dịch vụ vận tải Sao Mai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thiên Phong, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Anh Huy, Cổ phần Phương Anh, Cổ phần tập đoàn Việt Sơn, Cổ phần vận tải Ngân Hà, Cổ phần Sao Việt, Cổ phần Thương mại và Du lịch Trung Việt.

Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Thạch Như Sỹ, đợt thanh tra toàn diện tới đây tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi nêu trên để chấn chỉnh các doanh nghiệp là rất cần thiết, bởi lẽ tình trạng xe taxi vi phạm pháp luật an toàn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng gian lận giá cước, không đủ các điều kiện kinh doanh, sử dụng phù hiệu giả, lôgô, biểu trưng dán bằng nam châm, dừng đỗ phương tiện không đúng nơi quy định, lái xe không có chứng chỉ tập huấn...

Theo kế hoạch, Thanh tra Giao thông Vận tải sẽ tiến hành kiểm tra từ 20 - 30 xe taxi của mỗi doanh nghiệp, trong đó, chú trọng kiểm tra tại hiện trường về bãi đỗ xe, nơi giao nhận ca, hệ thống sổ theo dõi việc giao nhận phương tiện, chất lượng phương tiện, chứng nhận sử dụng tần số vô tuyến, tuổi lái xe, logo, đồng hồ tính tiền.

Đặc biệt, lực lượng Thanh tra sẽ kiểm tra kỹ xe do doanh nghiệp quản lý hay là bán thương hiệu cho tư nhân để tham gia chạy cho hãng, đồng thời kiểm tra cả giá cước đang áp dụng có hợp lý hay không.

Sau khi hoàn tất việc kiểm tra, các phương tiện được phép hoạt động bình thường và kết quả kiểm tra sẽ được công bố trực tiếp bằng biên bản kiểm tra ngay tại doanh nghiệp./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần