Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động thực phẩm lạm dụng hóa chất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có một thực tế là, để cho sản phẩm trở nên bắt mắt người tiêu dùng, để bảo quản hàng hóa trong thời gian dài, nhiều loại chất tạo màu và chất bảo quản độc hại

KTĐT - Có một thực tế là, để cho sản phẩm trở nên bắt mắt người tiêu dùng, để bảo quản hàng hóa trong thời gian dài, nhiều loại chất tạo màu và chất bảo quản độc hại đã được các "gian thương" sử dụng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Càng sát Tết Nguyên đán, thị trường lương thực, thực phẩm phục vụ Tết càng nhộn nhịp hơn với nhiều loại sản phẩm phong phú, đa dạng và vô cùng bắt mắt. Đây cũng là thời điểm khá nhạy cảm mà người tiêu dùng cần phải chú ý để có thể mua được các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc thường… lạm dụng hóa chất

Tại buổi tọa đàm "Cảnh báo lạm dụng hoá chất trong lương thực, thực phẩm" diễn ra tại Hà Nội do CLB nhà báo khoa học công nghệ và Báo Khoa học và Đời sống tổ chức ngày 29/1, TS. Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm định thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế cho biết: Về nguyên tắc, những thức ăn có chứa phẩm màu và chất bảo quản trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây độc hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, do lạm dụng phẩm màu, chất bảo quản và chạy theo lợi nhuận nên nhiều loại phẩm màu, chất bảo quản ngoài danh mục cho phép đã được không ít "gian thương" sử dụng để chế biến sản phẩm và kéo dài thời gian chờ phân phối trên thị trường, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Báo động thực phẩm lạm dụng hóa chất - Ảnh 1

Dần thay thế hoá chất bằng các sản phẩm có xuất xứ từ thực vật

Bác sỹ Nguyễn Công Suất, người nổi tiếng với những sản phẩm được chế biến từ trái gấc Việt Nam cho rằng: Các loại hóa chất hiện đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam đều có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, chủ yếu vào nội địa thông qua đường biển và tiểu ngạch. Chính vì không kiểm soát được các loại hoá chất này nên trên thực tế, việc nhiều cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất bừa bãi, vượt quá liều lượng cho phép, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng đã trở thành một "vấn nạn"…

Báo động thực phẩm lạm dụng hóa chất - Ảnh 2
Các đại biểu tham gia tọa đàm, cảnh báo lạm dụng hóa chất trong lương thực, thực phẩm tại Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm của bác sỹ Nguyễn Công Suất về việc người tiêu dùng Việt Nam nên ủng hộ các loại phẩm màu thực phẩm có xuất xứ từ cây trái, GS.TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam cho biết thêm: Hiện nay ở nước ta có gần 500 loài thực vật bản địa có các sắc tố tự nhiên có thể sử dụng làm phẩm màu thực phẩm vốn rất giàu các chất kháng oxy hóa. Ở các đồng bào dân tộc thiểu số, người ta có món xôi 3 màu, 4 màu, 5 màu… rất hấp dẫn và giàu chất dinh dưỡng. Nếu các nhà khoa học không tiếp tục nghiên cứu và vận dụng xu hướng này để mang đến những lợi ích và sự an toàn cho người dân, thì lỗi trước hết sẽ thuộc về các nhà khoa học.

Theo bà Lê Thị Hồng Hảo, quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy phần núm quả hay kẽ lá là nơi lưu giữ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi lẽ chỗ đó thường lõm lại; không mua và sử dụng các loại rau quả có mùi vị lạ, khác thường. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý rằng, việc lạm dụng chất bảo quản thường tập trung chủ yếu vào các sản phẩm không bao bì, nhãn hiệu hoặc xuất xứ không rõ ràng.