Báo động tình trạng ô nhiễm tiếng ồn

Đinh Thành Trung (Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, dư luận đặc biệt chú ý đến tình trạng tiếng ồn karaoke làm khổ người dân, nhất là khi xã hội giãn cách vì dịch bệnh, mọi người ở nhà thì tiếng hát karraoke lại được dịp gây ô nhiễm tiếng ồn nặng nề. Không chỉ hậu quả nhãn tiền cho sức khỏe người dân mà còn dẫn đến bạo lực, ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt văn minh đô thị của Hà Nội.

Muôn kiểu hành dân

Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý những nguồn phát sinh tự phát. Song, có thể nói, đến thời điểm này, việc thực thi các quy định trong giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là tình trạng hát karaoke, mở nhạc hết công suất vẫn diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát…

Báo động tình trạng ô nhiễm tiếng ồn - Ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Trang, ngõ 285 Đội Cấn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) chia sẻ, trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều hộ trong khu thường xuyên bật nhạc hết cỡ, tổ chức hát hò… ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. “Nhiều lần chúng tôi đã góp ý với hàng xóm, thậm chí phản ánh với tổ trưởng tổ dân phố, UBND phường nhưng chỉ được một vài hôm đâu lại vào đó” - chị Nguyễn Thị Trang phàn nàn.

Không chỉ phát sinh từ các hộ gia đình, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn còn đến từ các cơ sở kinh doanh… Theo ghi nhận, tại một số tuyến đường như Thái Hà, Chùa Bộc… để thu hút khách hàng, nhiều cơ sở kinh doanh đua nhau sử dụng loa kéo phát các bài quảng cáo, chương trình khuyến mãi từ sáng đến tối. Không biết, hiệu quả của các chiêu trò này đem lại cho các cơ sở kinh doanh ra sao nhưng việc “nhà nhà, người người” đua nhau “chạy quảng cáo” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Có thể nói, thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ nhiều năm qua, song dù đã có nhiều chế tài nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên nhưng đến thời điểm này đây vẫn là câu chuyện rất khó kiểm soát.

Theo nhiều chuyên gia, để khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần lập các đội tự quản tại các khu phố với thành phần nòng cốt chính là những người dân trong khu vực, những người có tiếng nói, uy tín trong cộng đồng dân cư. Những thành viên của tổ sẽ có trách nhiệm nhắc nhở các hộ vi phạm, là tai mắt của lực lượng chức năng, sẵn sàng báo cáo cơ quan công an về việc nhà nào cố tình vi phạm gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quản lý nguồn cung thiết bị hát karaoke. Bởi, nguyên nhân sâu xa của việc ô nhiễm tiếng ồn, nhất là karaoke xuất phát từ những bộ loa có kích thước, tần số âm thanh “khổng lồ”. Tại các khu phố có mật độ dân cư đông đúc, nhà cửa san sát thì âm thanh sẽ bị dội đi dội lại nhiều lần, tác động có hại đến thính giác người dân, nhất là trẻ em và người già.

Chính vì vậy, biện pháp gián tiếp có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do karaoke là kiểm soát nguồn cung ứng các thiết bị này như giàn loa lớn, thiết bị cá nhân nhưng có tần số âm thanh gây hại. Đồng thời kiểm soát cả “cầu” về loại hàng hóa này, chỉ ưu tiên cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo được không gian phát các loại loa lớn này. Như vậy, chúng ta sẽ có thêm một nguồn thông tin để nắm bắt về những đối tượng có thể gây ra ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân.

Cần những kế hoạch dài hơi

Cũng theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, một trong những biện pháp có tính chất dài hơi là công tác quy hoạch các cơ sở kinh doanh karaoke. Cần tính toán hợp lý các khu vực thương mại, dịch vụ, cơ sở kinh doanh loại hình gây ồn ào như karaoke, nhà hàng… có khoảng cách với nhà dân.

Có thể học hỏi kinh nghiệm của Moscow (Nga), khi họ đã bố trí nhà ga cách xa trung tâm TP. Vấn đề này đã được nhiều TP lớn trên thế giới tính toán ngay từ khâu quy hoạch và quản lý từng nhà dân cách xây dựng sao cho hợp lý để tránh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Họ trồng nhiều cây xanh ở các vị trí có tác dụng chặn tiếng ồn, cách âm hiệu quả. Đồng thời bố trí các bức tường cách âm tại trục đường nhiều người qua lại. Bố trí biển quảng cáo đặt tại các vị trí hợp lý vừa có tác dụng thu hút, vừa có tác dụng chặn tiếng ồn. Đáng chú ý, đường di chuyển nội đô được quy hoạch thuận tiện, chú ý đến các con đường nhỏ ở khu dân cư để tiếng ồn xe cộ không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, để việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, một điều không thể thiếu là phải cung cấp cho các lực lượng chức năng ở cơ sở, tổ tự quản, những người có trách nhiệm theo dõi, giám sát ô nhiễm tiếng ồn công cụ đo lường, thiết bị chứng minh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn quá mức, nằm trong khung xử phạt của lực lượng chức năng. Bởi, chỉ có người thật, việc thật, bằng chứng thật mới có tác dụng giúp lực lượng chức năng răn đe các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.

 

Địa chỉ nhận bài viết dự thi: Ban Đô thị - Báo Kinh tế và Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại liên hệ: 098.747.9898; Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần