Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động tình trạng thanh - thiếu niên phạm tội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo đại tá Nguyễn Đức Chung – Phó GĐ Công an TP.Hà Nội: Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự, riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng. Đây là thực trạng rất đáng báo động đối với các bậc làm cha, làm mẹ, với nhà trường và toàn xã hội.

Mức độ phạm tội của thanh - thiếu niên ngày càng nguy hiểm

 Hai học sinh Trường THPT DL Lômônôxốp và Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) giả danh CSCĐ để đi trấn tiền, đã bị CA bắt quả tang trước đó.

Qua các vụ án đã được cơ quan CA phát hiện, xử lý thì có một thực tế rằng  nếu như những năm 2000 trở về trước, lứa tuổi học sinh, sinh viên (HS, SV) thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn, thì gần đây, tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn, hành vi vi phạm hết sức đa dạng và phức tạp, với hầu hết các loại hành vi phạm tội do người lớn tuổi gây ra. Đặc biệt, có một bộ phận thanh - thiếu niên, HS, SV đã tham gia vào các ổ nhóm tội phạm có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn; hậu quả hết sức nghiêm trọng như các hành vi giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm... Đáng chú ý, có nhiều vụ HS nữ đánh nhau, lột quần áo, dùng điện thoại ghi hình rồi phát tán lên mạng Internet gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho cha mẹ HS, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đồng thời, các thiếu niên còn tham gia các ổ nhóm cướp giật, trộm cắp tài sản... để lấy tiền phục vụ nhu cầu cá nhân.

Nghiêm trọng hơn đó là gần đây nổi lên tình trạng HS tụ tập nhau thành các băng nhóm, dùng dao, kiếm... để giải quyết các mâu thuẫn, có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như chết người, gây thương tích nặng cho nạn nhân. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 42 vụ HS tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người mà nguyên nhân có thể chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt và học tập.

Đặc biệt, theo đại tá Nguyễn Đức Chung, gần đây đã xuất hiện một số HS, SV tham gia lập các diễn đàn, blog kêu gọi biểu tình; phát tán các clip có nội dung mang tính bạo lực và tình dục lên mạng. Một số HS còn phát tán lên mạng những videoclip  ghi lại cảnh đôi nam nữ quan hệ tình dục, có tính đồi trụy. Việc làm này vi phạm pháp luật, trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hoá dân tộc, tác động tiêu cực đến đời sống của xã hội. Đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến tầng lớp thanh - thiếu niên trên cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu từ phía gia đình

Theo TS Trịnh Hòa Bình – GĐ Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) thì nguyên nhân của những hành vi vi phạm giao tiếp, ứng xử và bạo lực học đường của HS chính là do sự tác động chủ yếu từ gia đình. Theo một nghiên cứu của trung tâm cho thấy, mối liên hệ giữa hành vi bạo lực của con cái với ứng xử, hành vi của cha mẹ, cụ thể, trong số các em có hành vi bạo lực thì 77,3% nói rằng trong gia đình mình “các thành viên ít có sự quan tâm lẫn nhau”. Một nghiên cứu khác về mối liên hệ giữa hành vi bạo lực của nữ sinh với mức độ quan tâm của cha mẹ cho thấy có 84,7% nữ sinh đánh nhau nói rằng trong gia đình các em có hành vi bạo lực giữa các thành viên, trong đó 12% bạo lực giữa cha mẹ; 16,7% bạo lực giữa anh, chị em; đáng lo ngại về mức độ bạo lực giữa cha mẹ và con cái 32,7%, thậm chí có 13,3% số gia đình tồn tại cả ba loại bạo lực trên.

Chính vì vậy, vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục trẻ em – đặc biệt là vai trò của cha mẹ – là hết sức quan trọng. Chỉ có môi trường giáo dục tốt, có nền nếp kỷ cương thì mặc dù điều kiện kinh tế có khó khăn, nhưng vẫn có cuộc sống hạnh phúc, con cái có lối sống trong sáng, lành mạnh. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên nhân dẫn con cái đến con đường vi phạm pháp luật.

Theo đại tá Nguyễn Đức Chung, để hạn chế hành vi phạm tội trong thanh - thiếu niên, gia đình cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý và giáo dục con cái, kiểm tra các hoạt động hằng ngày của các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường tiêu cực là việc làm hết sức cần thiết.