Báo động tình trạng vi phạm an toàn đê điều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, hệ thống đê điều đã được TP quan tâm, đầu tư tu bổ, nâng cấp. Tuy nhiên, các vi phạm về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát được vấn nạn này.

Vi phạm tiếp tục tăng

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), tổng số vi phạm về đê điều phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2014 là 135 vụ, tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi, số vụ vi phạm về đê điều phát sinh trong năm 2013 hiện còn tồn đọng tới 137 vụ. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà cửa, lều quán, công trình, lò gạch, chất chứa vật tư, vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê, kể cả mái đê; đào xẻ, xây dốc, phá chạch, đắp và tôn cao đê, đường; đào ao, khai thác cát trong hành lang bảo vệ đê… Bên cạnh đó, tình trạng đổ phế thải ra bờ sông thuộc địa bàn các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì, quận Tây Hồ và quận Hoàng Mai còn diễn ra phổ biến. Số vụ vi phạm về đê điều tập trung nhiều nhất ở huyện Ứng Hòa (chiếm 48/135 vụ, bằng 35,5%), tiếp đến là các huyện Phúc Thọ, quận Tây Hồ...Điều đáng nói, bên cạnh số vụ vi phạm tiếp tục có chiều hướng tăng thì việc xử lý các vi phạm về đê điều trên địa bàn TP cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm về đê điều được xử lý là 11/135 vụ, tức chỉ đạt khoảng 9%. 

 
Nhiều lò gạch xây dựng trên hành lang an toàn đê điều. Ảnh: Lâm nguyễn
Nhiều lò gạch xây dựng trên hành lang an toàn đê điều. Ảnh: Lâm nguyễn
Việc quản lý sau xử lý vi phạm cũng là vấn đề đáng bàn. Nhiều trường hợp vi phạm sau khi bị lập biên bản lại ngang nhiên tái diễn chỉ sau một thời gian ngắn. Điển hình như vụ vi phạm đổ phế thải ở bãi sông khu vực hạ lưu cầu Nhật Tân thuộc quận Tây Hồ. Các đối tượng đã đổ đất, phế thải xây dựng san lấp tạo mặt bằng với khối lượng lớn, trong thời gian dài trên bãi và lấn ra bờ sông, có nhiều chỗ cao 5 – 6m. Vụ việc được lãnh đạo TP, Sở NN&PTNT trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo xử lý. Đến nay, UBND phường Nhật Tân đã khắc phục, hạ thấp chiều cao của bãi đất thải xuống còn từ 0,7 – 1,2m. Tuy nhiên, mặc cho việc quận đã lập các chốt chặn, túc trực tại các đường ngõ ra bờ sông Hồng, tình trạng đổ trộm phế thải với khối lượng nhỏ vẫn diễn ra và theo những cách thức ngày một tinh vi.

Làm rõ trách nhiệm chính quyền cơ sở

Các vi phạm về đê điều không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của các tuyến đê, kè, tiềm ẩn nguy cơ sụt, sạt bờ bãi sông có thể khiến đê bị hư hỏng, giảm khả năng phòng, chống mưa lũ, mà còn ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đê, và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại những khu vực lân cận. Trước tình trạng vi phạm ngày một diễn biến phức tạp, các đơn vị chức năng, hạt quản lý đê các địa phương đã có những kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất các vi phạm về đê điều. Tại huyện Sóc Sơn, Hạt Quản lý đê số 7 đã phối hợp với công an huyện tổ chức lắp mố hạn chế ở các đầu dốc để ngăn xe quá tải trọng lên, xuống các bãi vật liệu xây dựng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng các huyện Thường Tín, Phú Xuyên cũng đã phối hợp với Cục CSGT Đường thủy nội địa (Bộ Công an) thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện; xử lý hàng chục tàu, thuyền neo đậu, khai thác cát trái phép dọc sông Hồng. Nhờ vậy, tình trạng khai thác cát trái phép tại các khu vực nêu trên đều giảm...

Ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Chi cục sẽ đôn đốc các đơn vị chuyên trách và 18 hạt quản lý đê địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm ngăn ngừa vi phạm mới phát sinh, xử lý nghiêm các vi phạm tồn đọng. Đồng thời, tập trung cao độ, bám sát diễn biến tình hình mưa bão để có biện pháp đảm bảo an toàn đê điều. Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, việc xử lý các vi phạm về đê điều không thể thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của từng xã,  phường, quận, huyện. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý đê điều, đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục báo cáo UBND TP cho phép đầu tư các dự án xây dựng đường hành lang ven đê, dốc lên đê, nhằm đảm bảo an toàn đê và hạn chế các vi phạm Luật Đê điều. Công an TP, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II phối hợp chặt chẽ với UBND các xã ven sông kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp neo đậu tàu thuyền vào kè, khai thác cát trái phép ở lòng sông… Cùng với đó, kiến nghị Sở GTVT sớm tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng, lắp đặt hộ lan đường giao thông trên các tuyến đê để chống đổ trộm phế thải… Chỉ khi tất cả các cấp ngành, địa phương cùng hiệp sức vào cuộc quyết liệt mới hy vọng các hành vi vi phạm đê điều trên địa bàn TP được ngăn chặn và giải quyết triệt để.