Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động tình trạng xâm hại trẻ em: Luật còn nhiều khoảng trống

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/3, Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong 5 năm từ 2012 - 2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Số vụ bị XHTD chiếm tới 5.300 vụ, chiếm khoảng 65%. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.
 Thi hành lệnh bắt giam Cao Mạnh Hùng dâm ô cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai. Ảnh:  Nguyễn Hoan
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan, tính bình quân mỗi năm trên 1.000 vụ liên quan đến XHTD trẻ em với diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Có em bị xâm hại khi chỉ vài tháng tuổi, đặc biệt trong số những người xâm hại lại có quan hệ họ hàng với nạn nhân. Nhiều vụ gia đình nạn nhân ngại, chưa khai báo nên cũng chưa phản ánh đúng thực trạng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Quang bày tỏ: Tính chất mức độ đã đặc biệt nghiêm trọng khi qua giám định pháp y 2.000 trường hợp có dấu hiệu vi phạm hàng năm cho thấy, các vụ XHTD đối với trẻ vị thành niên chiếm đến 1/3. Báo cáo của các bệnh viện phụ sản và bệnh viện nhi trong năm 2016 và quý I/2017 cũng cho thấy có 33 trẻ bị XHTD, trong đó có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con do bị hiếp dâm là số cần suy nghĩ.
Các số liệu thống kê vẫn chưa phản ánh hết, nhưng hiện do còn coi trọng chứng cứ, nên nhiều khi gây khó trong thu thập xử lý. Trước thực trạng chậm chễ của nhiều vụ việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Dư luận bức xúc khi người bị hại có đơn đề nghị, luật sư vào cuộc, khởi tố vụ án được nửa năm nhưng không khởi tố được bị can, cứ bị đưa đi đẩy lại do không đủ chứng cứ. Vậy tại sao khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến lại khởi tố được? Vậy phải chăng xử lý tin báo tố giác chưa tốt, chưa tích cực trong củng cố chứng cứ điều tra?
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, luật pháp về bảo vệ trẻ em còn có nhiều khoảng trống. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi XHTD nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em… Đề nghị khi sửa đổi Bộ luật Hình sự cần quy định rõ hành vi dâm ô là như thế nào? Chính việc chưa định nghĩa nên dẫn đến khó khăn trong việc điều tra. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết về vấn đề này để có hiệu lực ngay. Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hạnh, chính lời khai không nhất quán của nạn nhân đã tạo kẽ hở trong xử lý, vì các em còn nhỏ, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Trong khi giám định không yêu cầu thời gian nên cũng gây khó khăn trong công tác xử lý. Theo ông Hạnh, quy định xử lý hành vi dâm ô với trẻ em cần được cụ thể hơn, tránh lúng túng chậm trễ trong áp dụng khiến bức xúc trong dư luận.
Hiện, Bộ LĐTB&XH đang trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị tăng cường đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em. Đồng thời cũng đang trình Chính phủ Nghị định chăm sóc bảo vệ trẻ em, trong đó có quy định cụ thể về các vấn đề này, dự kiến ngày 10/4 sẽ ban hành.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH
Đào Ngọc Dung