Các khu vực bị xói lở nghiêm trọng nhất tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Thuận, Phú Yên. Quá trình xói lở diễn ra ở hầu hết các kiểu kiến tạo: Sỏi cát, bùn sét, bùn, cát… Tại khu vực Bắc Bộ, vùng bờ biển đang bị xói lở ở các đoạn Cát Hải, Bằng La (TP Hải Phòng), Thụy Xuân (Thái Bình), Xuân Thủy, Hải Hậu (Nam Định).
Hiện nay hiện nay tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng gia tăng, thường xuyên và phức tạp
Theo ông Vũ Thanh Ca - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT), hiện tượng xói lở bờ biển là hệ lụy của việc xây dựng một loạt thủy điện ở thượng nguồn, dẫn đến tình trạng giữ lại lượng bùn cát lớn trong lòng hồ khiến các cửa sông thiếu bùn cát. Việc phát triển quá nóng hoạt động du lịch biển với việc xuất hiện hàng loạt các resort ven biển cũng làm cho hoạt động xói lở ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng, phải lập bản đồ xác định những vùng có nguy cơ sạt lở cao để lập hành lang an toàn, tránh xây dựng các công trình trong khu vực nguy hiểm. Trước mắt, những khu vực nguy cơ cao phải xây dựng hệ thống đê điều kiên cố, đảm bảo an toàn phòng, chống mưa lũ. Việc xây dựng các công trình ven biển phải được tính toán kỹ lưỡng để không làm gia tăng áp lực cho khu vực ven biển. Hiện tại, đã có một số tỉnh, thành phố đang được thí điểm can thiệp giải quyết xói lở bờ biển, gồm: Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Trà Vinh, Bình Thuận, Cà Mau, Tiền Giang.