Báo động vấn nạn xe ghép, xe đi chung

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch vụ xe ghép, xe đi chung đã xuất hiện từ khá lâu và nở rộ kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Nếu không có biện pháp mạnh tay để xử lý dứt điểm, dịch vụ này hoàn toàn có thể trở thành vấn nạn của ngành giao thông vận tải.

 

Dịch vụ xe ghép, xe đi chung đang nở rộ như "nấm mọc sau mưa".
Dịch vụ xe ghép, xe đi chung đang nở rộ như "nấm mọc sau mưa".

 

Nhiều như “nấm mọc sau mưa”

Một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ xe ghép, xe đi chung (hay còn gọi là xe tiện chuyến) nở rộ từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát bắt nguồn từ nhu cầu đi lại khi các hoạt động vận tải hành khách bị tạm dừng. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những chiếc xe ghép, xe đi chung đó tuân thủ đầy đủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.

Ngược lại, hầu hết phương tiện tham gia dịch vụ này lại là xe biển trắng, không dán phù hiệu kinh doanh vận tải và hoạt động tùy tiện, vô tội vạ trên các tuyến phố. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về ATGT, an ninh trật tự (ANTT) cũng như kiểm dịch.

Để tìm xe ghép, xe đi chung, chỉ cần thực hiện vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên internet. Cụ thể, trên công cụ tìm kiến Google, đánh từ khóa “xe ghép, xe đi chung”, trong vòng chưa đầy 1 phút đã cho tới 22.000 kết quả.

Từ các hội nhóm trên website như dichungtaxi.com; gocheap.vn, timoto.com.vn, di-chung.com... đến hội nhóm trên facebook như “Hội đi chung xe – Ghép xe Sài Gòn”, “Hội đi chung xe ghép – tiện chuyến (Yên Bái – Hà Nội)”, “Hội đi chung xe – Ghép xe Phú Thọ - Hà Nội”, “Cao Bằng Hội Ghép Đi Chung Xe Tiện Chuyến”...

Tất cả đều kèm theo số điện thoại liên lạc với những lời giới thiệu, mời chào rất hấp dẫn như “đón tại nhà, giá thành hợp lý, trả người đúng điểm”. Thậm chí, nhiều “nhà xe” đã kết hợp với nhau lập thành những tổ, đội.

Họ chung tiền thuê phòng trọ ở những “điểm cầu” đón – trả khách, cùng nhau ăn uống chờ đợi qua đêm để đảm bảo có thể lên đường một cách sớm nhất vào ngày hôm sau. Chính vì sự tiện lợi này mà dịch vụ xe ghép, xe đi chung đang trở thành lựa chọn của nhiều người, kể cả tại các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh.

Đặc biệt, do tính chất cạnh tranh trong dịch vụ ngày càng cao, nhiều lái xe ghép, xe đi chung chuyển sang phương thức hoạt động không khác gì đội ngũ “shiper”.

Họ liên tục sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe; điều khiển xe với tốc độ cao; lạng lách, luồn lách trên đường... sao cho kết thúc hành trình một cách nhanh nhất.

Điều đáng nói, do phương tiện chuyên chở đều là xe biển trắng, không đăng ký kinh doanh vận tải nên rất khó để lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn trên đường. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho dịch vụ xe ghép, xe đi chung đang nở rộ không khác gì “nấm mọc sau mưa”.

“Việc không kiểm soát được lái xe có thể dẫn đến nhiều rủi ro như lái xe có thể sử dụng chất kích thích, cướp của và tấn công tình dục khách hàng,…” - Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng

Không sớm chấn chỉnh, xe ghép, xe đi chung sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Không sớm chấn chỉnh, xe ghép, xe đi chung sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Sớm chấn chỉnh để tránh hệ lụy xấu

Các chuyên gia giao thông nhận định, dịch vụ xe ghép, xe đi chung ra đời bắt nguồn từ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô bị ngưng trệ.

Tuy nhiên, do đây là dịch vụ tự phát, phần lớn phương tiện tham gia đều không đăng ký kinh doanh dịch vụ nên xe ghép, xe đi chung đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy khó lường đối với cả vấn đề trật tự, ATGT lẫn môi trường kinh doanh cụ thể là tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.

Đây là điều rất đáng quan ngại trong bối cảnh nhiều DN vận tải hành khách bằng ô tô vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ở chiều ngược lại, giới chuyên gia cũng cho rằng, sự ra đời của dịch vụ xe ghép, xe đi chung cũng giống như loại hình xe Limousine trước đây, đều ra đời trong bối cảnh hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô đang ngày một lạc hậu. Trong khi đó, xe Limousine hay xe ghép, xe đi chung lại “đánh” trúng tâm lý hành khách là sự tiện lợi bằng việc “đón tận nhà và trả tận nơi”.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, cùng với việc tăng cường các công tác quản lý, giám sát của cơ quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng đối với dịch vụ xe ghép, xe đi chung, bản thân các DN vận tải hành khách cũng cần có sự thay đổi, cải tiến chất lượng và dịch vụ để kéo hành khách quay trở lại với mình. Đây mới là giải pháp bền vững nhất.

 

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn để hướng dẫn và yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện đúng quy định của: Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định của UBND cấp tỉnh và pháp luật về quảng cáo trên môi trường mạng (zalo, facebook…). Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đề nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh; sử dụng xe ô tô chưa chuyển đổi biển số sang màu vàng, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần