Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động về một Hy Lạp của châu Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi cả thế giới chăm chú theo dõi những diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu (Eurozone), người ta đã quên đi mất mối nguy từ Nhật Bản.

Là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng Tokyo đang phải vay nợ phần lớn ngân sách hàng năm và nghiêm trọng hơn là Chính phủ nước này đã làm được rất ít để cải thiện tình hình.

Tại các trung tâm thương mại sầm uất của Tokyo, có hai xu hướng tiêu dùng khác biệt đang hiện diện. Một là khu vực chuyên cung cấp các sản phẩm chống lão hóa, thuốc trị xương khớp... dành cho người già và một khu vực đầy ắp các shop thời trang hàng hiệu cho giới trẻ. Nhưng phía sau những mặt hàng cao cấp có giá bán lên tới hàng triệu Yên là một thế giới rất khác khi mà hầu hết các khoản tiền để mua sắm đều được đi vay mượn. Từ nhiều năm qua, Nhật Bản đã trở thành một trong những nước đi vay nhiều nhất thế giới với các khoản nợ trị giá khoảng 11.000 tỷ Euro. Con số này tương ứng với 230% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm và mang tính rủi ro hơn nhiều nếu so sánh với mức nợ chiếm 165% GDP của Hy Lạp.

Báo động về một Hy Lạp của châu Á - Ảnh 1

Là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng Nhật Bản đang phải vay mượn phần lớn ngân sách hàng năm.

 

Ở Nhật Bản, một thế hệ thích mua sắm đã hình thành và giúp các nhà sản xuất điện thoại thông minh, các hãng thời trang làm ăn phát đạt trong nhiều năm liền nhưng cũng biến nợ công của Nhật Bản thành một quả bom hẹn giờ. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, sự phục hồi thần kỳ của Nhật Bản đã đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất toàn cầu. Nhưng Chính phủ Nhật dường như chưa bao giờ đưa ra một biện pháp quản lý triệt để những hậu quả của sự sụp đổ thị trường chứng khoán và cuộc khủng hoảng bất động sản chấn động đất nước trong những năm 1990. Việc Chính phủ phải bỏ hàng ngàn tỷ Yên để giải cứu các ngân hàng, công ty bảo hiểm thoát khỏi tình cảnh phá sản khiến nguồn tiền dự trữ vơi dần và hậu quả tất yếu là Nhật Bản bắt đầu rơi vào vòng xoáy thâm hụt chi tiêu. Trên thực tế, từ năm 2011 đên nay, Ngân hàng T.Ư Nhật Bản đã đưa ra các chương trình hỗ trợ khẩn cấp lên tới 900 tỷ Euro, trong khi các quỹ cứu trợ của 17 nước thuộc Eurozone mới chỉ chi có 700 tỷ Euro.

Mặc dù độ rủi ro từ nợ công của Nhật Bản thấp hơn các quốc gia trong khu vực Eurozone vì 95% số tiền mà nước này đã vay mượn là của chính người dân. Nhưng đã đến lúc Tokyo không thể quá tự tin vào việc mình sẽ trả được hết số nợ khổng lồ trên. Nguyên nhân chủ yếu là do nếu tất cả người dân mua lại toàn bộ số nợ chủ quyền của Nhật thì cũng chỉ đủ cung cấp số tiền để Chính phủ trang trải trong 12 năm. Ngay cả khi số tiền trong dân chưa cạn kiệt thì sự mất niềm tin vào thị trường có thể khiến cho không một nhà đầu tư nào chịu chi tiền mua trái phiếu Chính phủ. Khi đó, Nhật Bản sẽ buộc phải đi vay mượn từ thị trường bên ngoài và một cuộc khủng hoảng nợ giống như Hy Lạp hiện nay là hoàn toàn có thể xảy ra.

Là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng Nhật Bản đang phải vay mượn phần lớn ngân sách hàng năm.