Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động với Brexit từ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm bà May

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bỏ phiếu nội bộ Đảng Bảo thủ Anh hôm 12/12 cho thấy một tỉ lệ ủng hộ - phản đối khá mong manh với "Bà đầm thép".

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hôm 12/12. 
Thủ tướng Anh Theresa May đã "sống sót" sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Đảng Bảo thủ vào hôm 12/12 nhưng là sau một cuộc "nổi loạn" của hơn một phần ba các nhà lập pháp, cho thấy sự bế tắc của Quốc hội nước này đối với Brexit.
Trong khi 200 nhà lập pháp bảo thủ đã bỏ phiếu ủng hộ bà May với tư cách là nhà lãnh đạo, thì có 117 người không đồng ý, chứng tỏ sự phản đối không chỉ từ vài chục người ủng hộ một Brexit cứng rắn mà còn từ nhiều nhà lập pháp khác nữa - có thể là báo hiệu cho việc bà May khó có thể thông qua thỏa thuận "ly hôn" với liên minh EU.
Đáng tiếc đây không phải là lời khẳng định mạnh mẽ mà nữ Thủ tướng Anh cần khi bà sẽ tới Brussels hôm nay (13/12) để đối thoại với 27 nhà lãnh đạo EU khác - những người đã nhường chỗ cho bà tại Hội nghị thượng đỉnh để làm rõ thỏa thuận nhằm trấn an những người còn tỏ ra nghi ngại tại London.
Đầu tuần nay, bà May đã hoãn một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để đánh giá thỏa thuận Brexit của bà, diễn ra sau 2 năm đàm phán và được thiết kế để duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong tương lai với khối.
Với việc Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3, phe đối lập tại quốc hội đã bất ngờ mở ra những khả năng, bao gồm một sự ra đi mà không có thỏa thuận hoặc thậm chí một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về việc nước Anh nên "đi hay ở".
Phát biểu bên ngoài văn phòng chính phủ sau cuộc bỏ phiếu hôm 12/12, Thủ tướng Theresa May cho biết bà sẽ lắng nghe những người đã bỏ phiếu chống lại mình và tìm kiếm sự đảm bảo pháp lý về phần gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận của bà - chính sách bảo hiểm nhằm ngăn chặn biên giới cứng giữa thành viên EU là Ireland và một phần của Anh là Bắc Ireland.