Bão gameshow và những chiêu trò “câu” khán giả

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tôi biết nhiều chương trình gameshow không từ bất cứ “thủ đoạn” nào để thu hút lượng người xem, vì áp lực của các nhãn hàng tài trợ” – TS tâm lý Vũ Việt Anh thông tin.

Tình trạng dàn dựng kịch bản, lạm dụng chiêu trò tạo chú ý của khán giả trong các gameshow truyền hình lại một lần nữa bị xới lên trong tuần qua. Bão gameshow này là vì sự cố vô lễ với nghệ sĩ đàn cha chú của Hương Giang Idol trong gameshow Siêu sao đoán chữ.
Tạo chiêu trò để kiếm tiền
Mấy ngày gần đây, ca sĩ Hương Giang Idol trở thành gương mặt hứng tâm bão của dư luận vì scandal xúc phạm nghệ sĩ lớn tuổi. Hương Giang Idol hứng chịu những chỉ trích nặng nề sau khi tham gia quay hình gameshow Siêu sao đoán chữ. Trong chương trình, MC Đại Nghĩa yêu cầu người chơi điền từ thích hợp vào phần bỏ ngỏ: “Trung Dân thường thích khám phá máy móc và từng bị thương một lần khi đút đầu vào...”. Nhiều đáp án được các nghệ sĩ lựa chọn như lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh... nhưng riêng Hương Giang Idol đã nói: “Đút đầu vô cầu tiêu”.

Hương Giang Idol trong gameshow “Ơn giời cậu đây rồi”.

Nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ, ông sốc khi Hương Giang đưa ra đáp án ông “đút đầu vô cầu tiêu” và không chịu bỏ đáp án đó dù ông đã yêu cầu. Khi phát sinh sự việc Hương Giang Idol hỗn láo với nghệ sĩ Trung Dân nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải chiêu trò của nhà sản xuất để “câu khách”? Sau sự việc ồn ào, dù nhà sản xuất gameshow đã cắt hoàn toàn hình ảnh của Hương Giang Idol khi chương trình lên sóng như một động thái nhằm xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, nhà sản xuất gần như im lặng không có bất cứ ý kiến phản hồi nào trước làn sóng dư luận đang nhằm vào hai nghệ sĩ.
Hương Giang đi lên từ cuộc thi Thần tượng âm nhạc, nhưng rất ít người biết đến khả năng ca hát của cô mà chỉ biết đây là gương nghệ sĩ của gameshow. Cô được mời tham gia hàng chục chương trình gameshow cùng một lúc bởi vì cô dễ trở thành quân cờ để nhà sản xuất sử dụng làm chiêu trò. Cũng không loại trừ khả năng Ban tổ  chức để cho Hương Giang hỗn lão với nghệ sĩ Trung Dân để làm chiêu trò.
Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tức giận tố Ban tổ  chức một gameshow lợi dụng tên tuổi của anh để câu khán giả cho gameshow của mình khi tiết lộ cho truyền thông nam ca sĩ không đồng ý cùng ngồi ghế giám khảo với ca sĩ Phương Thanh. Trên thực tế, tại một số gameshow, người chơi hay HLV đều là những “quân cờ được tính toán sẵn từng đường đi nước bước” của nhà sản xuất. Ví như các vị trí HLV của The Voice, hay The Voice Kid luôn có hàm ý tại sao bên cạnh Đàm Vĩnh Hưng lại có Mỹ Tâm. Nhiều tập của The Voice không ngừng khai thác câu chuyện tình cảm của Đàm Vĩnh Hưng đã từng giành cho Mỹ Tâm. Hay những tranh luận giữa Thanh Lam và Hồ Quỳnh Hương, Thanh Lam và Hồ Ngọc Hà trong gameshow, hậu gameshow… đều được nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng nhằm tăng thêm số lượng người xem để tăng doanh thu quảng cáo. Hiện nay, gameshow tràn các sóng truyền hình nên cuộc cạnh tranh, kể cả cạnh tranh “bẩn” để giành khán giả là điều dễ hiểu.
Nhà sản xuất - gánh nặng miếng cơm manh áo
Không chỉ vì danh tiếng, mà nhà sản xuất thường phải bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư cho các gameshow; từ tiền mua bản quyền, trả công cho nghệ sĩ, tiền sản xuất… có khi lên đến hàng tỷ đồng/tập. Ca sĩ Hồ Ngọc Hà từng chia sẻ thù lao cho vị trí giám khảo của cô trong một chương trình truyền hình thực tế đang phát sóng là 200 triệu đồng/tập. Đây là mức thù lao kỷ lục trong showbiz Việt được công khai. Còn nhiều bản hợp đồng, thỏa thuận khác về thù lao nghệ sĩ tham gia gameshow được bảo mật. Nhưng thông tin hậu trường cho biết: “Tất cả đều là những con số khủng”. Diễn viên Thân Thúy Hà từng tiết lộ chị được mời tham gia ba gameshow với mức cát xê bằng một năm đóng phim.
Càng nhiều người xem, tiền quảng cáo đổ vào càng nhiều, các gameshow truyền hình đủ sức hấp dẫn lôi kéo nghệ sĩ bỏ sân khấu, sàn diễn, quên đi niềm say mê sáng tạo nghệ thuật đích thực để đầu quân về với gameshow. Nhiều nghệ sĩ giống như Hương Giang Idol đã “bán mình” cho gameshow thay vì lo đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc, vừa tiêu tốn tiền bạc và công sức, vừa khó đong đếm độ thành công. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng chấp nhận làm quân cờ cho nhà sản xuất trong các gameshow để nhận cát xê khủng. Hàng loạt nghệ sĩ gạo cội như Hoài Linh, đạo diễn Lê Hoàng, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Trần Lập, nhạc sĩ Trần Tiến… đã từng là nạn nhân của gameshow. Nhiều người trong số họ đã chấp nhận dừng giữa cuộc chơi để tránh bị tổn thương.
Giá đắt phải trả
Trong thời kỳ mọi hình thức giải trí đều trở nên bão hòa, người làm chương trình phải loay hoay tìm các chất liệu hấp dẫn để kéo người xem đến với chương trình. Nhưng không phải đơn vị nào cũng sử dụng scadal của nghệ sĩ làm chất liệu khai thác. Nhiều chương trình khai thác những câu chuyện cuộc đời đầy xúc động, đem đến dư vị đẹp cho cuộc sống. Ví dụ như về người cha đi thi hát nuôi hai người con bị teo não làm rung động hàng triệu trái tim khán giả gần đây. Hay qua những chương trình mà không ít người có số phận đắng cay đã nhận được tình cảm, sự giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Có rất nhiều số phận vươn lên từ khốn khổ thành “ngôi sao” nhưng vẫn được khán giả và người đời thừa nhận. Tuy nhiên, đi sâu khai thác scandal hay mẩu đời bất hạnh luôn là “con dao hai lưỡi”, có thể khiến khán giả yêu, cũng có thể khiến khán giả quay lưng. Bằng chứng là chương trình Điều ước thứ 7 hay The Voice đã từng rơi vào trường hợp bị khán giả tẩy chay vì quá đà.
Xoay quanh việc các gameshow ngày càng lạm dụng chiêu trò để gây chú ý, TS Vũ Việt Anh - chuyên gia giáo dục thẳng thắn bày tỏ: “Nghệ sĩ không thực sự đi lên bằng tài năng, giá trị cốt lõi mà chỉ cố đánh bóng tên tuổi bằng những scandal thì sớm muộn cũng bị chỉ trích, thậm chí bị tẩy chay. Và tôi biết, nhiều chương trình gameshow không từ bất cứ “thủ đoạn” nào để thu hút lượng người xem, dưới áp lực của các nhãn hàng tài trợ. Tuy nhiên nếu quá lạm dụng chiêu trò, chương trình sẽ bị khán giả quay lưng. Trên thực tế, không ít chương trình đã phải gánh chịu hậu quả…”.
Đồng quan điểm với TS Vũ Việt Anh, hoa hậu Dương Mỹ Linh cho rằng sự đùa giỡn trong cuộc sống đưa lên sóng truyền hình sẽ phải trả giá đắt. Bằng chứng là ngay sau sự việc vô lễ của Hương Giang Idol với nghệ sĩ Trung Dân, khán giả đã lập nên những nhóm kêu gọi tẩy chay chương trình Siêu sao đoán chữ. Theo dự đoán số lượng khán giả xem chương trình này trong các số kế tiếp có thể bị giảm đi quá nửa. Nhiều DN cũng bắt đầu cân nhắc ký kết hợp đồng quảng cáo trên sóng chương trình Siêu sao đoán chữ ở các tập tiếp theo.
Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên truyền hình đang rơi vào tình trạng báo động. Thế nhưng, scandal cứ nối tiếp scandal; không cơ quan quản lý nào tuýt còi, cấm sóng các đơn vị sản xuất thích dùng chiêu trò. Chính vì vậy, dẫu công chúng và truyền thông cảnh báo nhiều năm nay nhưng sóng “bẩn” vẫn nhũng nhiễu khắp nơi.
Ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng đạt được thỏa thuận thù lao gần 3 tỉ đồng cho vị trí giám khảo của một chương trình game show dài tập. Còn Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương cũng leo lên hàng thù lao cao ngất ngưởng, ngang bằng với Hoài Linh.

Tư cách, phẩm chất của người nghệ sĩ đang bị xuống cấp nhưng không cơ quan quản lý nào chịu đứng ra chấn chỉnh. Tôi chỉ mong các cơ quan truyền thông, truyền hình hãy vì văn hóa ứng xử văn minh mà giảm bớt, cắt đi những chương trình, gương mặt, hành vi nhố nhăng, phản văn hóa. Sóng giải trí truyền hình trước khi hay cần phải sạch, ít nhất là về thẩm mỹ.
Nhà văn  Nguyễn Quang Vinh