Tràn lan video xấu độc
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở thời điểm hiện tại mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn những video độc hại cho trẻ em xuất hiện trên mạng xã hội mang đến những mối họa khôn lường ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ.
Bao giờ chấm dứt vấn nạn video độc hại bủa vây trẻ em?. Ảnh minh họa |
Việc trẻ học theo video độc hại, dẫn tới những tai nạn đáng tiếc không phải là việc chưa từng xảy ra. Sự việc một bé gái 5 tuổi ở TP. HCM đã dùng vải voan treo cổ trong phòng ngủ, bắt chước "trò chơi treo cổ" trên Youtube vào tháng 10/2020 bài học cảnh tỉnh tất cả các bậc phụ huynh khi lơ là, không kiểm soát trước khi cho con tiếp cận mới mạng xã hội Youtube.
Có thể liệt kê nhiều kênh như: Kênh PHD Troll, Kênh Hưng Vlog/ Hưng Troll, Hậu Cáo TV, Ca Cường TV, Hành tinh đồ chơi – Toy Planet... đăng tải những nội dung nhảm nhí như thử thách, trêu chọc và thực hiện những hành vi vô bổ, ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của trẻ nhỏ.
Thực tế, gần như không có kênh Youtube nào cảnh báo trẻ em, nội dung giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều cháu bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát, chọn lọc nội dung nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Những nội dung bạo lực, nguy hiểm trên thế giới mạng, hiện là vấn đề đáng báo động và việc ngăn chặn triệt để những nội dung chưa phù hợp cho trẻ em là rất khó.
Đồng thời, mức phạt hiện nay với các chủ kênh Youtube có nội dung nhảm nhí còn quá nhẹ, không thấm vào đâu so với thu nhập khủng mà họ nhận lại.
Mới đây nhất, ngày 16/3, Youtuber Thơ Nguyễn thực hiện video dùng búp bê để “xin vía học giỏi” do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ” đăng tải lên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng vì vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan.
Và sau khi câu chuyện về Youtube Thơ Nguyễn tạm lắng xuống thì làn sóng dư luận tiếp tục bùng lên với thông tin về kênh Yotube Timmy TV hướng tới đối tượng người xem chính là trẻ em nhưng lại đăng tải rất nhiều video rùng rợn, kinh dị, thậm chí cổ súy mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Ngay lập tức, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) cho biết, cơ quan này đang khẩn trương xem xét, đánh giá kênh YouTube Timmy TV, đồng thời thu thập bằng chứng chuyển Sở TT&TT TP.HCM để làm việc, xử lý nghiêm hành vi trái quy định pháp luật của chủ kênh Timmy TV.
Chung tay bảo vệ trẻ em
Thông tin từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, mỗi tháng bình quân cục này tiếp nhận 12.000 thông tin phản ảnh qua tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111, chủ yếu là những thông tin tố cáo về bạo lực, xâm hại trẻ em, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, chính sách luật pháp về trẻ em cho người dân, cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em...
Về trường hợp của kênh Timmy TV, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, cho biết cục đã trao đổi với Sở TT&TT TP.HCM đề nghị mời công ty chủ quản của kênh này lên làm việc, tổng hợp tất cả những video, clip không phù hợp với trẻ em của kênh này để chuyển cho YouTube xử lý.
Đánh giá về hình thức xử phạt những video đăng tải nội dung xấu độc trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng với mức xử phạt ở mức 7,5 triệu đồng khi đăng tải video xấu độc, trong khi những chủ những Kênh này có thể kiếm tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì chỉ là "muối bỏ bể".
Luật sư Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước cho rằng, hiện nay tồn tại không ít kênh YouTube nhảm nhí, độc hại, phản cảm như của Thơ Nguyễn và nhận mức xử phạt quá nhẹ.
"Với lợi nhuận khủng, những đối tượng này sẵn sàng mang trẻ em ra để khai thác nhằm trục lợi. Mặc dù chế tài xử phạt đã có nhưng hầu hết vẫn còn quá nhẹ, đa phần là xử lý hành chính. Do đó, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên mạng", luật sư Biên cho biết.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, cách làm như hiện nay, không thể giải quyết tận gốc vấn nạn này, vì chúng ta phải chạy theo sau các nội dung độc, xử lý được một cái, lại có mười cái khác mọc ra.
Đã đến lúc cần ứng dụng các bộ lọc mạnh mẽ hơn bằng công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để dò tìm trực tiếp các nội dung xấu độc và xử lý nó từ trứng nước. Các bước xử lý cũng cần tự động hóa, thay vì dùng sức người và các thủ tục hành chính như hiện tại. Có vậy, mới mong tiêu diệt triệt để các loại nội dung này trong tương lai.
Qua trường hợp Timmy TV, Cục An toàn thông tin cho biết đơn vị này sẽ làm việc với Google về các kênh YouTube, đề nghị hỗ trợ rà soát gửi lại danh sách các kênh YouTube hiện đang thu hút lượng lớn trẻ em để cục theo dõi.
Cục An toàn thông tin cũng sẽ đề nghị phía Google có hướng dẫn, khuyến cáo về việc làm nội dung cho trẻ em làm sao phải an toàn, phù hợp cho trẻ em đến tất cả những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, đặc biệt những kênh có đông trẻ em theo dõi.