Bao giờ có câu trả lời thỏa đáng?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của UBND xã Cự Khê, huyện Thanh Oai từ 1/2014 - 31/8/2015, trên địa bàn xã có 47 người mắc bệnh ung thư, trong đó 17 người đã tử vong.

Nhiều ý kiến cho rằng, thủ phạm chính là nguồn nước ngầm của xã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ cơ quan chuyên môn nào lý giải nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này.

Khát nước sạch

Qua kết quả phân tích chất lượng nước sông Nhuệ định kỳ hàng năm cho thấy, tại khu vực đầu nguồn (sau khi nhận nước sông Hồng), nước sông hầu như không bị ô nhiễm. Nhưng từ đoạn sông chảy qua khu vực Hà Đông (Phúc La), nước đã bắt đầu bị ô nhiễm mà nguyên nhân chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải sản xuất của Cụm công nghiệp Từ Liêm, làng bún Phú Đô, làng nghề Cát Quế, Dương Liễu đổ vào sông... Mấy ngày gần đây, do phía thượng nguồn mưa to nên dòng Nhuệ giang cuồn cuộn đen ngòm với những bèo cùng rác. Một cụ già bán nước (đoạn xóm Thắm, Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) chép miệng nói: Thời trước, sông Nhuệ trong lắm, mùa hè trẻ con thoải mái  xuống tắm. Nhưng vài chục năm trở lại đây, dòng sông bắt đầu ô nhiễm. Mùa hè muốn ra bờ sông hóng mát cũng không xong chứ nói gì đến tắm với rửa. Hôm nào mưa to, nước lớn còn đỡ, mùa hè thì ở trong nhà cũng phải đóng kín cửa, hôi thối không thể chịu nổi…
Dù cảnh quan rất đẹp nhưng đến nay thôn Mỹ, xã Cự Khê vẫn chưa có nước sạch.
Dù cảnh quan rất đẹp nhưng đến nay thôn Mỹ, xã Cự Khê vẫn chưa có nước sạch.
Nếu ven sông Nhuệ thì từ cầu Bươu vào đến Cự Khê có vẻ xa, nhưng đi từ Xa La (quận Hà Đông qua Khu đô thị mới Thanh Hà), quãng đường chẳng đáng là bao. Vị trí của Cự Khê là khá gần với nội thành, nhưng nước sạch đối với đa phần người dân xã này vẫn là niềm mong mỏi. Trò chuyện cùng phóng viên, ông Vũ Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: Xã có 6 thôn là Hạ, Cầu, Mỹ, Thượng, Cự Đà và Khúc Thủy với 6.500 nhân khẩu. Nhưng đến nay, mới xây dựng được một trạm cấp nước sạch công suất 500m3/ngày đêm, đủ phục vụ cho thôn Cự Đà và một phần thôn Khúc Thủy (với khoảng 2.000 người được sử dụng nước máy), 4 thôn còn lại vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Gần đây, do biết nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nên đa số các hộ dân phải xây bể để trữ nước mưa dùng để nấu nướng ăn uống, nước giếng khoan chỉ dùng tắm giặt. Để giúp đỡ học sinh các trường và trạm y tế trên địa bàn xã, trong 2 năm (2013 - 2014), trường Đại học Seoul Hàn Quốc đã giúp xây dựng mấy trạm xử lý nước mưa. “Nếu không có sự giúp đỡ của nước bạn, vấn đề nước sinh hoạt cho hệ thống trường trạm của chúng tôi sẽ rất căng thẳng” - ông Ngọc nói tiếp.

Nỗi ám ảnh vì ung thư

Theo số liệu của UBND xã Cự Khê, từ 1/2014 - 31/8/2015, trên địa bàn xã có 47 người mắc bệnh ung thư, trong đó 17 người đã tử vong. Nhiều ý kiến cho rằng thủ phạm là do nguồn nước ngầm của xã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ cơ quan chuyên môn nào lý giải nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này. “Hôm 21/9, khi Đoàn đại biểu Quốc hội của TP về tiếp xúc thì 7/8 câu hỏi của cử tri đều đề cập đến vấn đề môi trường” - ông Ngọc cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đăng Tiến - Trưởng thôn Mỹ nói: Với 180 hộ và 600 nhân khẩu nhưng trừ một số hộ có bể trữ nước mưa, số còn lại vẫn phải dùng nước giếng khoan. Hàng năm, vẫn thấy có các đoàn về lấy mẫu nước, song đến nay vẫn chưa biết kết quả như thế nào, chỉ biết là nguồn nước ngầm ở đây có nồng độ Asen tương đối cao. Trong thôn có 4 người bị ung thư (một người đã mất năm 2014).

Ông Lê Đình Chiến - Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai nói: Vấn đề nguồn nước ngầm của Thanh Oai bị ô nhiễm thì từ trước năm 2008, tỉnh Hà Tây (cũ) đã tiến hành khảo sát. Do nồng độ Asen cao nên chính quyền đã khuyến cáo người dân phải xây bể lọc để hạn chế tác hại. Về số người chết (do ung thư) ông Chiến cũng thừa nhận số liệu của UBND xã Cự Khê đưa ra là chính xác. "Hàng năm, huyện đều có kiểm tra số liệu, tuy nhiên để xác định rõ số người chết kể trên có phải mắc bệnh ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm hay không thì đến nay vẫn chưa có điều tra nguyên nhân một cách cụ thể. Muốn làm rõ câu chuyện này phải tiến hành nghiên cứu một cách kỹ lưỡng" - ông Chiến cho biết thêm.

Khát nước sạch và sợ hãi vì căn bệnh ung thư đang là thực tế xảy ra tại Cự Khê. Vậy, bao giờ các ngành chức năng mới "xắn tay" vào để xử lý việc này? Câu trả lời vẫn bị treo lơ lửng!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần