Bao giờ diễn xướng trở lại?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã từng là loại hình di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đặc sắc của Thủ đô, thế nhưng hát Trống quân ở huyện Phúc Thọ đang trước nguy cơ mai một, hiếm khi còn được diễn xướng.

Chính vì vậy, Sở VH&TT Hà Nội đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và UBND huyện Phúc Thọ “chạy nước rút” các công tác bảo tồn để kịp giữ gìn và khôi phục di sản hát Trống quân cho Phúc Thọ.

Mai một ở mức “báo động đỏ”

Gần 3 năm, những người làm di sản Hà Nội cùng các nhà khoa học như TS Nguyễn Thị Minh Lý, PGS.TS Nguyễn Văn Huy… miệt mài kiểm kê DSVHPVT của Hà Nội. Chính qua công tác kiểm kê này, giá trị di sản hát Trống quân đã lộ diện. “Qua công tác thực hiện đề án Tổng kiểm kê DSVHPVT TP Hà Nội nhận thấy hát Trống quân là một trong những di sản cần có chính sách ưu tiên bảo vệ khẩn cấp ở Hà Nội” - ông Dương Ngọc Long - Phó trưởng Phòng Di sản văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội cho biết.
Một buổi biểu diễn hát Trống quân ở ngoại thành Hà Nội.
Một buổi biểu diễn hát Trống quân ở ngoại thành Hà Nội.
Cụ thể, qua hơn 1.000 DSVHPVT được nhận diện, xác định chủ thể, giá trị và được đánh giá sức sống..., Hà Nội dự kiến chọn ra 6 di sản thuộc 6 loại hình của DSVHPVT gồm: Ngữ văn truyền khẩu, Nghệ thuật trình diễn truyền thống, Tập quán xã hội, Lễ hội truyền thống, Nghề thủ công truyền thống và Tri thức dân gian để thực hiện đề án bảo tồn mang tính thí điểm. Di sản hát Trống quân đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu xác định là DSVHPVT – một trong 6 DSVHPVT tiêu biểu của Thủ đô thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống được chọn làm đề án bảo tồn mang tính thí điểm đầu tiên.

Trong kho tàng DSVHPVT của Việt Nam, hát Trống quân từ lâu đã được biết đến là một loại thức của dân ca có mặt tương đối phổ biến ở vùng châu thổ Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ. Thế nhưng, ở Hà Nội hiện nay, di sản hát Trống quân mới chỉ được nhận diện là còn có ở 3 huyện: Phú Xuyên, Thường Tín và Phúc Thọ. Ths Phạm Kim Ngân - Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhìn nhận: “Ở huyện Thường Tín hiện vẫn còn CLB hát Trống quân, và ở huyện Phú Xuyên, di sản này đang được người dân diễn xướng..., nhưng ở Phúc Thọ thì hiện không có CLB cũng như hiếm khi di sản này được diễn xướng”. Chính vì thế, công tác bảo tồn và khôi phục di sản hát Trống quân ở huyện Phúc Thọ là một công việc không đơn giản và thực sự là khẩn cấp.

Tự tin có thể phục hồi

Không chỉ đứng trước nguy cơ biến đổi, bị mai một mà hơn thế, hát Trống quân ở Phúc Thọ đang đối mặt với nguy cơ bị lãng quên, biến mất. Ông Nguyễn Đăng Mạc - Chủ tịch UBND xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, nơi có các nghệ nhân lớn tuổi hiện còn nhớ và có thể trình diễn hát Trống quân bộc bạch: “Xưa đi đầu đường ngõ xóm, gần như ai ai trong làng cũng có thể hát Trống quân. Nhưng giờ giới trẻ gần như không ai biết đến lối hát giao duyên truyền thống này nữa”.

Quả thực, trước sự biến thiên của đời sống xã hội đương đại, giới trẻ ngày nay không quan tâm lắm đến cách tỏ tình và giao duyên như hát Trống quân. Đã vậy, môi trường diễn xướng của di sản này ở xã Hát Môn nói riêng và huyện Phúc Thọ nói chung những năm gần đây cũng gần như đã biến mất. Trong các lễ hội hay trong các dịp Trung thu, hiếu hỉ..., hát Trống quân cũng không còn được diễn xướng như một hoạt động truyền thống không thể thiếu như vốn có thời xa xưa. May thay, ở xã Hát Môn hiện vẫn còn có gần chục cụ cao tuổi còn nhớ hoặc ít nhiều có thể diễn xướng hát Trống quân. Đa phần các nghệ nhân này đều trên 70 tuổi, nên nếu không gấp rút thực hiện đề án bảo tồn, khôi phục hát Trống quân ở Phúc Thọ thì chỉ vài ba năm nữa, công tác này chỉ còn lại con số không.

Nghệ nhân Lương Mai Hồng, ở xóm 4, xã Hát Môn, nay đã qua tuổi thất thập cổ lai hy rất tự tin rằng có thể phục hồi hát Trống quân. Theo cụ Hồng, hát Trống quân dễ truyền dạy, dễ hát, chỉ cần dạy khoảng 30 phút thì các bạn trẻ của làng có thể hát theo ngay được. Nhưng cái khó là hát Trống quân vốn là lối hát giao duyên nên phải có hai nhóm hát nam và nữ để đối đáp. Đã vậy, lời bài hát theo thể lục bát, không chỉ cần gieo vần cho khéo mà người hát còn phải tự ứng khẩu lời hát sao cho mộc mạc, cao thượng mà quyến rũ người nghe...

Hiện có nhiều giả thiết về nguồn gốc của hát Trống quân. Có giả thiết cho rằng, lối hát giao duyên này có từ đời Trần chống quân Nguyên thế kỷ XIII, và cũng có giả thiết là di sản này ra đời khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh vào thế kỷ XVIII... Dù với giả thiết nào thì hát Trống quân cũng gắn với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc, cần phải bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị di sản.q
Trước nguy cơ bị lãng quên, cần bảo vệ khẩn cấp, công tác bảo tồn, phục hồi di sản hát Trống quân ở huyện Phúc Thọ không nên đặt quá nhiều mục tiêu. Theo tôi, trước mắt là cần nắm bắt, nhận diện được ở địa phương này còn có những ai biết hát và biết đến mức độ nào về giá trị, kỹ năng trình diễn... di sản. Thứ nữa là nhanh chóng ghi âm, thu hình các kiến thức, kỹ năng trình diễn... của các nghệ nhân này để từ đó có cơ sở để bảo tồn hay phát huy giá trị di sản. Trước đây khoảng 20 năm, hát Xoan ở Phú Thọ cũng có nguy cơ bị thất truyền như hát Trống quân hiện nay. Nhưng khi Nhà nước giúp cho cộng đồng có ý thức bảo tồn di sản thì những người dân Phú Thọ đón tiếp, giữ gìn nghệ thuật của mình một cách hồ hởi, phấn khởi. Từ ý thức đó tạo dựng ra môi trường thực hành cho di sản. Hát Trống quân cũng vậy, cơ quan quản lý phải nghĩ đến môi trường cho cộng đồng trình diễn. Trước đây, khi mà chúng ta trình UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là DSVHPVT thế giới thì ở Phú Thọ toàn người già hát, sau vài năm, thế hệ trẻ đã quan tâm hưởng ứng. Phần nào đó hát Trống quân nên học cách bảo tồn di sản của hát Xoan.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Từ năm 2013, Sở VH&TT Hà Nội triển khai thực hiện chương trình Tổng kiểm kê, bảo vệ DSVHPVT. Việc kiểm kê cũng như quản lý số lượng di sản này đã và đang được các đơn vị triển khai khá hiệu quả. Cho đến nay, đã có gần 80% số DSVHPT trên địa bàn các quận, huyện được kiểm kê, để từ đó đưa ra các hạng mục đề xuất bảo tồn khẩn cấp, ưu tiên bảo tồn cũng như chính sách bảo tồn, số hóa các loại di sản…