Bao giờ giá thịt lợn mới giảm?

Phương Nga - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một tháng nay, giá lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm và về mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Câu hỏi bao giờ người dân mới được mua thịt lợn với giá hợp lý đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong bối cảnh phải thắt chặt chi tiêu do tác động của dịch Covid-19.

 Người tiêu dùng lựa chọn thịt lợn tại siêu thị Vinmart Dương Nội, Hà Đông. Ảnh: Phương Nga
Nghịch lý giá lợn

Ghi nhận giá lợn hơi tại miền Bắc đang dao động từ 63.000 – 70.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi cao hơn, ở mức 67.000 – 72.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi xuất chuồng tại miền Nam dao động từ 67.000 – 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng hơn một năm qua. So với cùng kỳ năm trước, giá lợn hơi đã giảm một nửa. Ông Nguyễn Văn Lâm, một chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cho biết: “Giá lợn hơi liên tục giảm hơn một tháng nay. Hiện tại, giá lợn xuất chuồng chỉ được 63.000 – 65.000 đồng/kg”.

Tuy nhiên, trên thị trường lại đang diễn ra một nghịch lý, mặc dù giá lợn hơi xuất chuồng đã được kiểm soát ở mức dưới 70.000 đồng/kg, nhưng giá các loại thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Cụ thể, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, thịt ba chỉ, sườn non có giá từ 150.000 – 165.000 đồng/kg; thịt nạc vai, thịt mông, thịt chân giò… dao động ở mức 130.000 đồng/kg; tim, cật, dạ dày có giá 200.000 đồng/kg… Tại siêu thị, giá các loại thịt lợn có giảm nhưng vẫn ở mức cao, dao động từ 120.000 – 155.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt mông sấn 120.000 đồng/kg, nạc đùi 142.000 đồng/kg, nạc vai 155.000 đồng/kg. Cao nhất là sườn non có mức giá 200.000 đồng/kg.

Chị Phùng Thị Quyên, ở Nhân Mỹ (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) thắc mắc: “Thời gian gần đây, qua theo dõi báo, đài tôi thấy giá lợn hơi liên tục giảm, tuy nhiên khi ra chợ hỏi giá thịt thì vẫn không thay đổi”.

Hộ chăn nuôi và người tiêu dùng đều thiệt

Theo kinh nghiệm bán thịt lợn nhiều năm của chị Vương Thị Hòa ở chợ Hà Đông, với giá lợn hơi dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/kg thì giá thịt dao động quanh mức 100.000 – 120.000 đồng/kg là người bán đã có lãi. Tuy nhiên, hiện nay bản thân những người bán thịt lợn ở chợ như chị phải mua thịt qua lò mổ, mà trước khi đến lò mổ thì lợn hơi lại phải qua nhiều khâu thu gom khác nữa, nên giá thành từ chuồng ra chợ có sự chênh lệch. Thêm vào đó, hiện nay do nắng nóng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ thịt lợn của người dân giảm mạnh. Nếu như trước đây, mỗi ngày chị bán được 2 con lợn thì nay chỉ dám nhập 1 con. Do đó, nếu hạ giá thịt lợn nữa thì thu nhập một ngày đi chợ của tiểu thương không đảm bảo.

Nói về nghịch lý giá thịt lợn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, đó là do khâu lưu thông. Giá lợn xuất chuồng thấp nhưng đến tay người tiêu dùng với giá cao chứng tỏ khâu trung gian đang có lãi lớn. Cũng theo đại diện Cục Chăn nuôi, với mức giá lợn hơi xuất chuồng dưới 70.000 đồng/kg, các hộ phải mua con giống thậm chí đang thua lỗ. Nguyên nhân không chỉ vì phải mua con giống mà giá thức ăn chăn nuôi cũng đang tăng cao. “Với các yếu tố thị trường hiện nay, giá lợn hơi phải trên 70.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi” – ông Trọng đánh giá.

Chia sẻ những khó khăn của người chăn nuôi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hòa Mỹ Lê Văn Thanh cho biết, hiện nay người chăn nuôi lợn đang chịu khó khăn kép bởi giá lợn hơi giảm trong khi chi phí chăn nuôi quá cao. Ngoài chi phí phòng dịch, giá cám liên tục tăng cao khiến thu nhập của người chăn nuôi không đảm bảo. Với 3.000 lợn nái và 17.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày trang trại của ông Thanh tiêu tốn hết 300 triệu đồng tiền cám. Với giá cám tăng 10% như hiện nay, có nghĩa mỗi ngày ông phải bù thêm 30 triệu đồng.

Cần thiết xây dựng chuỗi liên kết

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay đã có 18 tỉnh, TP thực hiện tái đàn đạt 100% trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. 16 DN chăn nuôi lợn lớn cũng đã tái đàn đạt đến 171%. Cùng với việc các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện để các DN nhập khẩu thịt lợn, nguồn cung thịt lợn được đánh giá là không thiếu hụt. Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong quý I/2021, Việt Nam đã nhập 34.650 tấn thịt lợn, trị giá 80,07 triệu USD, tăng hơn 100% về lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, thời điểm hiện tại giá lợn hơi đã vào đúng quỹ đạo mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã vạch ra, tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, tiêu dùng và phân phối, thì cần có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, hiện nay thị trường chưa hài hòa được 3 khâu: Sản xuất – lưu thông – tiêu dùng. Ở đó, người chăn nuôi và người tiêu dùng vẫn đang chịu thiệt thòi. Trong khi khâu trung gian lại đang hưởng lãi lớn. Để giải quyết được bài toán này, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.

Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ DN xây dựng các chuỗi thực phẩm lớn như Masan với hai nhà máy ở Hà Nam và Long An; Ba Huân; Dabaco; Greenfeed, Rapfa, Xuân Trường… Khi các chuỗi này phát huy đúng theo chiến lược của DN thì việc rút ngắn các khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ, lợi ích sẽ được chia sẻ với các đối tượng trong chuỗi của họ và người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến