Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo từ nay đến 20/1 miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của hình thái thời tiết này. Đông Bắc Bộ và Hà Nội là tâm điểm của đợt mưa phùn và sương mù dày đặc, khiến độ ẩm không khí tăng lên trên 80%, gây ra tình trạng nồm ẩm, tường nhà, nền gạch "đổ mồ hôi".

Trang Accuweather của Mỹ dự báo, những ngày tới nhiệt độ Hà Nội không nhiều thay đổi, trong khoảng 18-23 độ C. Từ ngày 21 đến 22/2, một đợt gió mùa Đông Bắc mới sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc, gây mưa trở lại và làm nhiệt độ giảm thấp.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, hàng năm, hiện tượng nồm ẩm thường diễn ra vào cuối mùa Xuân, từ tháng 2 đến cuối tháng 4 tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ. Thời gian nồm kéo dài hay ngắn phụ thuộc nhiều vào các đợt gió mùa Đông Bắc kéo vào nước ta.
Thông thường, mỗi đợt nồm sẽ kéo dài 3-5 ngày hoặc cả tuần. Tùy thuộc vào chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt đồ vật với không khí nhiều hay ít mà độ nồm ẩm nặng hoặc nhẹ khác nhau. Trong tháng 3 thường có khoảng 4-5 đợt nồm xảy ra, thời gian ngắn dài khác nhau.
Vào những ngày nồm, thời tiết thường ấm hơn so với mùa Đông, nhiệt độ dao động từ 18-25 độ C. Không khí không quá lạnh nhưng vẫn có cảm giác nặng nề, bí bách do ẩm ướt. Trời thường âm u, mây mù dày đặc, ánh nắng yếu hoặc không có nắng.
Mưa nhỏ nhưng liên tục, làm tăng độ ẩm không khí. Đường xá ngày nồm trơn trượt, gây bất tiện khi đi lại. Sàn nhà ướt, tường ẩm mốc, đồ điện dễ hư hỏng, thực phẩm dễ bị ôi thiu...
Hiện tượng nồm ẩm xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ là do những đợt không khí lạnh và khô kéo dài khiến độ ẩm tường, sàn nhà, đồ dùng hạ xuống thấp. Tiếp đến, gió mùa ở miền Bắc mang không khí có hơi ẩm thổi từ biển vào đất liền với nhiệt độ cao hơn. Khi nhiệt độ thấp của tường, sàn nhà, đồ vật tiếp xúc với nhiệt độ không khí cao của môi trường khiến hiện tượng đọng sương xảy ra.
Tương tự như đặt một ly nước đá ở ngoài không khí thì thành ly thường đọng nước li ti. Hiện tượng vật lý này xảy ra do nhiệt độ thành ly thấp hơn nhiệt độ môi trường, khiến hơi nước trong không khí ngưng tụ lại thành giọt.

Khi thời tiết nồm ẩm, độ ẩm không khí thường ở mức cao, từ 90% trở lên. Không khí ẩm ướt gây cảm giác khó chịu. Quần áo, chăn màn lâu khô, các đồ vật khác trong tình trạng ẩm ướt, xuất hiện ẩm mốc và dễ bốc mùi hôi.
Trời nồm ẩm khiến vi khuẩn phát tán nhanh, mạnh, người dân dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm phổi... Người cao tuổi dễ bị đau nhức xương khớp, tâm trạng mệt mỏi, uể oải.
Để khắc phục tình trạng nồm ẩm, các gia đình thường tìm cách giữ nhà khô sạch bằng cách đóng kín cửa, bật quạt, điều hòa, máy hút ẩm, lau nhà bằng khăn khô... Ngoài ra, người dân cần chuẩn bị sẵn các loại thuốc dị ứng, hô hấp... để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trong thời gian diễn ra nồm ẩm.
Nồm ẩm là hiện tượng xảy ra khi độ ẩm cao hơn 90%, đa phần chỉ xảy ra ở các ngôi nhà sát mặt đất và tầng thấp. Các tầng trên cao của tòa nhà như chung cư sẽ ít xảy ra nồm ẩm hơn. Càng lên cao, độ ẩm không khí càng thấp.