Bao giờ kinh tế Đà Nẵng sẽ phục hồi, phát triển trở lại?

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, Đà Nẵng phấn đấu năm 2021 đạt quy mô GRDP bằng năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi kinh tế - xã hội phù hợp theo cấp độ dịch; từ tháng 7/2022 đến hết năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội trở lại.

3 giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch về việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đó, Đà Nẵng chuyển từ chiến lược “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Quan điểm là tuyệt đối không được chủ quan, lơi là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.
Thực hiện mục tiêu kép, Đà Nẵng tập trung phòng chống dịch đồng thời chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải quyểt việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Coi bảo đảm ổn định chính trị - xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng yếu, ý thức của người dân và tiêm vaccine là điều kiện tiên quyết, y tế là then chốt, khoa học - công nghệ là đột phá, phát triển kinh tế là nền tảng…
Liên tiếp những đợt dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay khiến kinh tế Đà Nẵng chịu quá nhiều ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Q.HẢI
Kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của Đà Nẵng chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (quý IV năm 2021) - phục hồi kinh tế - xã hội TP đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phấn đấu năm 2021 đạt quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bằng năm 2020.
Giai đoạn 2 (6 tháng đầu năm 2022) - phục hồi kinh tế - xã hội phù hợp theo cấp độ dịch. Giai đoạn 3 (từ tháng 7/2022 đến hết năm 2023) - phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến GRDP năm 2022 tăng 8,11% so với 2021
TP Đà Nẵng đã dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2021. Theo đó, kịch bản 1 với  khả năng dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp: Tốc độ tăng trưởng GRDP quý IV/2021 giảm 2,33% so với cùng kỳ 2020; GRDP năm 2021 giảm 1,5% so với năm 2020.
Kịch bản 2 khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến nhưng được kiểm soát ở nguy cơ thấp, các ngành kinh tế có điều kiện để phục hồi sản xuất kinh doanh: Tốc độ tăng trưởng GRDP quý IV/2021 đạt 1,25% so với cùng kỳ 2020; GRDP năm 2021 giảm 0,51% so với năm 2020.
Kịch bản 3 khi tình hình dịch bệnh được khống chế tốt và kiểm soát chặt chẽ, các ngành kinh tế có khả năng phục hồi tốt: Tốc độ tăng trưởng GRDP quý IV/2021 đạt 3,46% so với cùng kỳ 2020; GRDP năm 2021 tăng 0,11% so với năm 2020.
Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng điêu đứng suốt 2 năm qua. Ảnh: Q.HẢI
Đà Nẵng cũng dự kiến các kịch bản tăng trưởng năm 2022 và định hướng năm 2023. Cụ thể, kịch bản thấp: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được khống chế tốt nhưng phục hồi kinh tế của quốc tế và cả nước còn chậm, một số chuỗi cung ứng còn hạn chế, lượng khách du lịch có trở lại nhưng chưa được như kỳ vọng, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,9% so với năm 2021.
Kịch bản trung bình: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, kinh tế quốc tế và cả nước vẫn đang trong quá trình phục hồi, một số ngành dịch vụ bắt đầu phát triển ổn định, lượng khách du lịch có xu hướng tăng, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 6,2% so với năm 2021.
Kịch bản cao: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, kinh tế quốc tế và cả nước phát triển trở lại bình thường, một số ngành dịch vụ phát triển mạnh, lượng khách du lịch có xu hướng tăng cao, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,11% so với năm 2021.
Theo UBND TP Đà Nẵng, kế hoạch cần được đảm bảo về nguồn lực triển khai để có tính khả thi, hiệu quả nhằm đáp ứng mục tiêu chung. Trước mắt, Đà Nẵng xác định nguồn lực chủ yếu sẽ tập trung cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế TP.
Ngân sách nhà nước ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, công tác phòng chống dịch bệnh, an sinh xã hội, đầu tư công, đặc biệt phát huy vai trò của đầu tư công để tạo tác động lan tỏa, dẫn dắt và kích thích tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội TP. Trường hợp cần thiết, huy động các nguồn lực hợp pháp khác (phát hành trái phiếu, vay ưu đãi) để có nguồn đáp ứng nhu cầu đầu tư công, phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phục hồi lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục phát triển ngành nghề, sản phẩm, mở rộng thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã hội, tăng thu ngân sách...