Bao giờ mới “hồi sinh”?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi không có nước sạch sinh hoạt, người dân ở nhiều huyện như Thạch Thất, Phúc Thọ… phải bỏ tiền ra mua nước, thì hiện tại, nhiều trạm cấp nước (TCN) tập trung trên địa bàn Hà Nội vẫn đang nằm "đắp chiếu", chờ han gỉ.

Sau gần hai năm TP hạ quyết tâm làm "hồi sinh" các TCN, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa chuyển biến.

Mười năm vẫn… khát

 Tam Hiệp là xã đông dân của huyện Phúc Thọ với trên 11.000 nhân khẩu, nhưng lại đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Đạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Xã có 4 thôn thì 1 thôn không khoan được nước; 1 thôn làng nghề rất cần nước sạch do nguồn nước ô nhiễm nặng.

Từ năm 2005, TCN xã Tam Hiệp đã được đầu tư xây dựng nhưng do thời gian kéo dài, việc triển khai thiếu đồng bộ nên chưa thể cấp nước cho người dân.

Để tiếp tục "hồi sinh" TCN này, tháng 9/2011, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Công ty TNHH XD&TM Toàn Linh tiếp nhận đầu tư nhưng từ đó đến nay, công trình vẫn chưa được triển khai thêm hạng mục nào, trong khi những hạng mục cũ như bể lọc, bể chứa, nhà máy bơm… đang có dấu hiệu hư hỏng.
 
Bao giờ mới “hồi sinh”? - Ảnh 1
 
Kiểm tra tiến độ xây dựng tại Trạm cấp nước thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.
 

Còn người dân ở hai thôn khó khăn về nước vẫn ngày ngày bỏ tiền ra mua nước sạch của tư nhân về sử dụng. Tương tự, TCN thôn Đoan Lữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức được đầu tư từ những năm 2000, nay đang bị vây kín bởi rác thải, đất đá, cỏ dại... Ông Nguyễn Viết Thắng, thôn Đoan Lữ, người từng đảm nhiệm việc trông coi tại TCN giải thích: "Do để hơn 10 năm nay không sử dụng nên các hạng mục như máy bơm, đường ống nước, thiết bị đã bị hoen gỉ, bục vỡ".

 Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 16 TCN tập trung ở khu vực ngoại thành, chưa kể một số TCN được đầu tư bằng các nguồn tài trợ khác ở một số huyện đang được xây dựng dở dang hoặc "đắp chiếu".

Điều đó dẫn đến hàng loạt thiết bị tiền tỷ được đầu tư đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Riêng 16 TCN được giao cho Sở NN&PTNT quản lý, tổng số tiền đầu tư trước đây đã lên tới hơn 68 tỷ đồng.

Làm gì để “hồi sinh”?

Trước những bức xúc của dư luận về nhiều TCN bị bỏ hoang gây lãng phí, cuối năm 2010, đầu năm 2011, tại nhiều cuộc họp về việc giải quyết 16 TCN tập trung, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các huyện tập trung "hồi sinh" các TCN.

Tuy nhiên, đã ngót hai năm trôi qua, việc tháo gỡ khó khăn cho các TCN vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Đào Duy Tâm cho biết, trong tổng số 16 TCN, đã có 8 trạm được giao cho doanh nghiệp (DN) đầu tư, 5 trạm thuộc ban quản lý dự án của các huyện, 3 trạm hư hỏng cần thanh lý thu hồi tài sản.

Tuy nhiên, trong số 8 TCN được các DN đầu tư, đến nay mới có 4 trạm vận hành, các trạm khác vẫn đang chờ các thủ tục chuyển giao và thiếu vốn.Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN được giao khôi phục các TCN, mới đây, UBND TP Hà Nội đã cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các TCN này.

Theo chỉ đạo của UBND TP, các địa phương dừng thực hiện 16 dự án đầu tư dở dang để quyết toán chuyển đổi hình thức đầu tư thông qua vay vốn tín dụng từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội.

Theo quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước, các địa phương phải quyết toán vốn đầu tư phần việc đã hoàn thành cũng như thanh lý tài sản theo đúng quy định trình UBND TP xem xét.

Song đến thời điểm này, khâu đánh giá lại tài sản và bàn giao vốn, mặt bằng xây dựng cho DN chưa được thực hiện nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội.Ông Nguyễn Hồng Lịch, Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Nước sạch & Môi trường Hùng Thành, chủ đầu tư TCN thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng cho biết: Do chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán và bàn giao nên Công ty Hùng Thành chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến những khó khăn trong triển khai thi công lắp đặt các hạng mục khác.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lê, Giám đốc Công ty TNHH XD&TM Toàn Linh cũng than thở, DN khó có thể hoàn thành việc lập dự án và hồ sơ pháp lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vì chưa được bàn giao mặt bằng xây dựng TCN xã Tam Hiệp, mặc dù đơn vị đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện Phúc Thọ. Bà Lê cho hay, nếu bàn giao xong, chỉ sau 2 tháng là Công ty sẽ bơm nước về đến đường trục chính, sau 4 - 5 tháng nữa nước sẽ về đến thôn.

Mong muốn lớn nhất của các DN là UBND TP khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành và các huyện nhanh chóng quyết toán và bàn giao công trình để DN yên tâm đầu tư, người dân cũng đỡ "mỏi cổ" chờ nước sạch.