Bao giờ người dân yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp?", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi.

Chiều 7/6 và sáng 8/6, Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm với sức khỏe người dân

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho biết, thời gian vừa qua cử tri phản ánh rất nhiều về việc giảm vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón liên tục tăng cao. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hữu cơ. Đây được nhìn nhận là giải pháp căn cơ chủ động và tích cực.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, có một thực trạng đó là từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

“Với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ làm gì để giải pháp theo khuyến cáo chưa được triển khai rộng và ứng dụng thực sự đạt hiệu quả trên những cánh đồng và thửa ruộng trong thời gian tới; trong đó có việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long?” - đại biểu Nguyễn Huy Thái nêu vấn đề.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nhìn nhận, khoa học, công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt, đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động nông nghiệp, điều này đòi hỏi phải giải quyết mối quan hệ giữa áp dụng khoa học công nghệ với nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Trong điều kiện nguồn nhân lực chính của nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là người nông dân chưa qua đào tạo còn hạn chế về năng lực làm chủ cũng như tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nhất là nông dân miền núi Tây Nguyên. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Giải pháp giải quyết mối quan hệ trên?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT từng nói: Chúng ta chung tay cho sứ mệnh đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới. Vậy định hướng đổi mới nào Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới? Thứ hai, Bộ trưởng đã từng đưa ra thông điệp: Chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe hàng trăm triệu dân.

“Tuy nhiên, đến nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu dân. Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, hiện nay mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, nông nghiệp du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để phát triển mạnh mô hình này trong thời gian tới?

Vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng tình với quan điểm của đại biểu trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng tình với quan điểm của đại biểu trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.

“Đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.

Ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững. Đó cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ NN&PTNT đang định hướng triển khai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần