Bảo hiểm thất nghiệp - chỗ dựa cho người lao động trong mùa dịch

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay khiến hàng vạn lao động phải ngừng việc, nghỉ việc. Trong bối cảnh như vậy, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã phát huy vai trò “bà đỡ”, tính ưu việt của mình.

Lợi ích khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Chị Nguyễn Thuý Anh (Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết, với khoản trợ cấp thất nghiệp hơn 3 triệu đồng/tháng, gia đình chị cũng đỡ phải lo lắng hơn về lương thực, thực phẩm trong lúc giãn cách. Trước đây chị Thuý Anh làm nhân viên kinh doanh của chuỗi cửa hàng thời trang với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4, công ty bắt buộc phải đóng cửa phần lớn các điểm bán hàng, chị buộc phải nghỉ việc.
“Được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn. Hiện tại tôi chỉ mong dịch sớm qua đi để tôi có thể tìm việc làm mới” - chị Thuý Anh cho hay.

Cũng giống như chị Thuý Anh, anh Trần Minh Thắng, sinh năm 1990 (ở Ninh Bình, làm việc tại Hà Nội), sau 6 năm làm việc, đến tháng 3/2021, công ty cắt giảm nhân viên nên anh Thắng trở về địa phương. Trong thời gian làm việc tại công ty, anh Thắng được công ty đóng BHTN đầy đủ, nên nghỉ việc anh đã làm đơn để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với thời gian tham gia BHTN hơn 7 năm, anh sẽ được hưởng một khoản tiền kha khá.
 Bảo hiểm thất nghiệp trở thành ''phao cứu sinh'' cho người lao động mùa dịch.
BHTN thực sự trở thành một “bà đỡ”, xuất hiện đúng lúc với người làm công hưởng lương khi gặp rủi ro về việc làm. Khi tham gia BHTN, nếu người lao động mất việc làm, quỹ BHTN sẽ bảo đảm toàn bộ chế độ cho người lao động. Họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế, hỗ trợ học nghề; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề...

Theo Điều 57 Luật việc làm, mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN được quy định: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch. Gần đây nhất Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23 cũng đề cập cụ thể việc hỗ trợ trực tiếp cũng như gián tiếp với lao động thất nghiệp và các DN bị ảnh hưởng. Mới đây, Chính phủ đã ban Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30 /9/2022.

Sau 12 năm thực hiện chính sách, số người tham gia BHTN tăng khoảng 10% mỗi năm. Đến năm 2020, cả nước có hơn 13 triệu người tham gia BHTN, hơn 7 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, hơn 4,6 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và 177.407 người được hỗ trợ học nghề. 8 tháng năm 2021, cả nước đã giải quyết cho 483.411 người hưởng BHTN. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã chi cho hơn 7,2 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), thời gian tới, để phát huy vai trò tích cực hơn của chính sách BHTN, cần có giải pháp sử dụng hiệu quả Quỹ BHTN. Về lâu dài, cần hoàn thiện chính sách BHTN theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là với lao động trong khu vực phi chính thức. Đồng thời, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia BHTN.
Quy định miễn cho DN không đóng 1% vào Quỹ BHTN trong thời gian một năm là rất tốt. Nhưng theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, về lâu dài vẫn phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội để xem xét mức đóng BHTN phù hợp. Vì chính sách của Quỹ BHTN là số đông NLĐ tham gia để hỗ trợ số ít bị thất nghiệp, chứ không phải thu tiền rồi giữ lại đó là không ổn, nhất là khi DN đang khó lại đóng BHTN mức cao khiến chi phí tăng lên.