Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Giá đỡ an sinh cho người yếu thế

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Không chỉ chú trọng phát triển lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt, Hà Nội còn đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đến với người dân bằng cách quan tâm, tạo điều kiện để nhân lên các mô hình xã, phường điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Mô hình đã góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân, nhất là đối với lao động nông nghiệp, lao động tự do.

Sáng tạo từ mô hình điểm

Những năm qua, đại lý thu phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đã dần lớn mạnh trong hoạt động phát triển người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện trên địa bàn. Đặc biệt, phường đã triển khai hiệu quả mô hình phường điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện nhờ nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Hà Nội ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Thảo Trần
Hà Nội ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Thảo Trần

Chia sẻ về mô hình này, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Phan Thị Thu Giang cho biết, phường đã thành lập 14 tổ tuyên truyền, phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và giao chỉ tiêu cho từng tổ dân phố, các hội đoàn thể, trường học. Định kỳ thứ Bảy hằng tuần, đoàn viên, thanh niên đi tuyên truyền lưu động bằng loa về chính sách đến đông đảo người dân... Nhờ đó, trong thời gian thực hiện mô hình phường điểm, phường Tây Tựu đã tuyên truyền, vận động được 217 người dân tham gia mới BHXH tự nguyện.

Trong năm 2021, phường Tây Tựu có thêm 241 người tham gia mới (đạt 120,5% chỉ tiêu giao). Về phát triển BHYT hộ gia đình, năm 2021, phường đã tăng mới và gia hạn 3.390 thẻ, trong đó tăng mới 468 thẻ BHYT (đạt 429% chỉ tiêu giao năm 2021).

Trong khi đó, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy là 1 trong 8 phường trên địa bàn quận được chọn triển khai mô hình điểm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Thời gian qua, phường đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thông qua các buổi đối thoại trực tiếp theo từng nhóm nhỏ; tuyên truyền qua nhóm Zalo.

Cùng với đó, quận giao Phòng LĐTB&XH; Ủy ban MTTQ quận và các hội, đoàn thể huy động các nguồn tài trợ, lựa chọn đối tượng mua BHXH tự nguyện cho 210 người là đối tượng cận nghèo, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.978 người, trong đó số người tăng mới 2 tháng cuối năm 2021 là 696 người.

Với phương châm “đi từng ngõ, vào từng nhà, rà từng người” vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, thời gian qua, BHXH huyện Ba Vì đã nỗ lực cùng cán bộ UBND xã Vạn Thắng, rà soát các hộ kinh doanh có sử dụng lao động để tuyên truyền, kết hợp với tư vấn pháp luật về sử dụng lao động.

Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì Lê Xuân Phú cho biết, ngoài mức hỗ trợ theo quy định, xã Vạn Thắng hỗ trợ thêm 200.000 đồng/sổ BHXH tự nguyện cho người dân tham gia trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2021. Nhờ đó, năm 2021, xã Vạn Thắng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu UBND huyện giao, có thêm 220 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia lên 338 người.

Ngoài mô hình xã, phường điểm, Hà Nội còn tập trung phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện thông qua hệ thống trung tâm y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã. Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc TTYT huyện Sóc Sơn Phạm Quang Hải cho biết, đơn vị giao nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho cán bộ chuyên trách dân số tại 26 xã, thị trấn trên địa bàn với sự hướng dẫn chuyên môn của cơ quan BHXH huyện.

Lực lượng này gần dân, lại nắm rõ độ tuổi của từng người, nên có thể đưa chính sách đến những địa chỉ tiềm năng. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn triển khai, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số huyện Sóc Sơn vận động được 289 người tham gia BHXH tự nguyện. Từ đầu năm 2022 đến nay, mô hình này tiếp tục được quan tâm nhân rộng...

Nỗ lực vượt khó

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ song thực tế việc đưa chính sách BHXH tự nguyện vào đời sống, phát triển người tham gia gặp không ít khó khăn. Số đối tượng phát triển mới chậm. Số đối tượng đang tham gia, đến hạn đóng tiền kỳ tiếp theo có xu hướng không đóng nữa do không có nguồn thu nhập để đóng tiếp. Một bộ phận người dân còn phụ thuộc kinh tế nên không tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì Nguyễn Duy Nhật, hiện nay, nhiều người lao động (NLĐ) là đối tượng tham gia của BHXH tự nguyện đi làm xa hoặc làm việc theo thời gian không cố định nên không dễ tiếp cận với họ để tuyên truyền, vận động.

Với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nếu muốn họ tham gia, cơ quan chức năng phải có nguồn hỗ trợ lâu dài cho họ. Tuy nhiên, việc kêu gọi những “tấm lòng vàng” hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho NLĐ trong nhiều năm không dễ thực hiện.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì Lê Xuân Phú bày tỏ, thời gian tham gia BHXH tự nguyện tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm đóng BHXH và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 thêm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ làm người dân tâm tư, cân nhắc khi tham gia BHXH tự nguyện.

Thực tế, từ năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo tăng lên, tương ứng mức đóng BHXH tự nguyện tăng, mức hỗ trợ đóng từ ngân sách cũng tăng. Chuẩn nghèo của TP Hà Nội là 1,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chuẩn chung của cả nước, nên cần nhiều hơn nguồn kinh phí hỗ trợ mức đóng so với những năm trước đó.

Để nhiều người dân có thể tiếp cận, thụ hưởng chính sách, đại diện các sở, ngành chức năng đã họp bàn, thống nhất kiến nghị UBND TP trình HĐND TP, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người đóng BHXH tự nguyện giai đoạn 2022 - 2025 theo chuẩn nghèo mới.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, nếu đề xuất này được thông qua, NLĐ sẽ được nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho những người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.

Về lâu dài, khi số người hưởng chế độ hưu trí tăng lên thì số lượng người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ giảm. Điều này đồng nghĩa, việc mở rộng, phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân Thủ đô theo hướng bền vững.

Cùng với đó, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, ngành BHXH Hà Nội cũng đang phối hợp với các ngành chức năng, địa phương đổi mới phương thức truyền thông về tính ưu việt của BHXH tự nguyện qua nhiều kênh thông tin, chú trọng truyền thống theo nhóm nhỏ, trực tiếp đến từng người, gia đình.

Mặt khác, ngành tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình xã, phường điểm về BHXH tự nguyện, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng cán bộ, nhân viên tham gia tuyên truyền về chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng. Với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, các bên cùng huy động nguồn lực để tặng sổ BHXH hoặc hỗ trợ thêm mức đóng cho họ.

“Mỗi người dân nên cố gắng tích lũy khi trẻ để có cơ hội sống vui, sống khỏe lúc tuổi già. Phấn đấu đến cuối năm nay, Hà Nội có gần 109.000 người tham gia BHXH tự nguyện (hiện nay là hơn 63.000 người)” - ông Hòa nhấn mạnh.

 

Sau hơn 13 năm triển khai, BHXH tự nguyện từng bước đi vào đời sống, hiện cả nước có hơn 1,45 triệu người tham gia. Tại Hà Nội, chính sách này trở thành điểm tựa an sinh của hơn 63.000 lao động, bằng 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu HĐND TP giao, qua đó góp phần hiện thực hóa ước mong có lương hưu của nhiều người.

Nhằm góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân, nhất là đối với lao động nông nghiệp, lao động tự do, từ tháng 5/2021 đến nay, BHXH Hà Nội triển khai mô hình xã, phường, thị trấn điểm về BHXH tự nguyện ở 30/30 quận, huyện, thị xã.