Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm xã hội: Vì sao người dân chưa mặn mà?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là vấn đề nóng, bởi đến nay mới có 29,5% lực lượng lao động tham gia.

Độ hấp dẫn của chính sách chưa cao, thủ tục hành chính phiền hà... đang là rào cản người lao động (NLĐ). 
Thủ tục rườm rà

Tính đến hết tháng 9/2017, cả nước có 14.663.000/47.900.000 lao động tham gia BHXH. Hàng năm, có khoảng 400.000 người lần đầu gia nhập hệ thống BHXH nhưng lại có tới 700.000 lao động rút lui. Một trong những nguyên nhân được Phó Trưởng ban Chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ chỉ ra, đó là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN áp dụng công nghệ cao đã đẩy lao động ra khỏi dây chuyền sản xuất, nhất là những người trên 35 tuổi, chủ yếu là nữ. Luật BHXH chưa phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người dân đóng BHXH tự nguyện.

Một bộ phận NLĐ chưa hiểu đầy đủ quyền lợi về BHXH hoặc vì mưu sinh trước mắt mà ít quan tâm tới lợi ích lâu dài... cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phủ BHXH chỉ có 29,5%. Từ thực tế này, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, BHXH Việt Nam chưa thân thiện với NLĐ như các loại hình bảo hiểm thương mại. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, nếu giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 thì số lao động hưởng một lần có thể sẽ tiếp tục tham gia chính sách này.

Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội.  Ảnh: Thanh Hải

Trong khi đó, đại diện cho chủ sử dụng lao động, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Chí Dũng quan tâm đến vướng mắc về trình tự, thủ tục giải quyết của ngành BHXH. Có đến 89% DN được hỏi cho biết các văn bản pháp quy đã hướng dẫn nhưng chưa rõ, 85% đơn vị khẳng định Luật BHXH, nghị định chưa điều chỉnh vướng mắc, 77% DN phản ánh hồ sơ về thủ tục BHXH còn rườm rà và 67% DN khẳng định cán bộ BHXH chưa giải thích rõ chính sách.

Tìm giải pháp tăng độ bao phủ

Để thực hiện mục tiêu tăng độ phủ BHXH đạt 55 - 60% vào năm 2020, ông Đỗ Ngọc Thọ đề nghị bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, điều hành HTX. Bên cạnh đó, nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí xuống còn 10 năm và mức hưởng trên nguyên tắc đóng - hưởng là cần thiết.

Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội Nguyễn Hữu Dũng, hiện nay, thành phần lao động phi chính thức chiếm 70% tổng số lực lượng trong độ tuổi. Hiện cả nước có 8 triệu lao động làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích nhóm đối tượng này trở thành DN tuyển lao động có ký hợp đồng thì số người tham gia BHXH sẽ tăng lên khá nhiều.

Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng đề nghị HĐND các tỉnh, TP đưa số lượng mở rộng bao phủ BHXH vào kế hoạch phát triển hàng năm. Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, trên cả loa phát thanh phường, xã tới tận từng khu phố, thôn, xóm, hội DN nhỏ và vừa để người dân hiểu được lợi ích của BHXH. Bên cạnh đó, cơ quan lao động địa phương cũng cần giám sát việc chấp hành pháp luật của DN nhỏ trong việc đóng BHXH cho NLĐ.

Về phía các DN lại kiến nghị đơn giản hóa thủ tục BHXH để NLĐ dễ bề tham gia. Ngoài ra, một trong những giải pháp quan trọng được Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân nêu ra là nâng cao quản lý BHXH áp dụng công nghệ cao từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
DN có vai trò rất quan trọng trong việc tăng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi được thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất thu hút lao động vào làm việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chi phí đóng BHXH của DN Việt Nam rất cao nên DN phải cơ cấu lại tài chính, ưu tiên đầu tư công nghệ mới. Đồng nghĩa với việc hạn chế mở rộng đối tượng tham gia BHXH, thậm chí còn đẩy lao động ra nhận trợ cấp một lần. 

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI

Người nghèo được hỗ trợ đóng BHXH

Theo quy định mới của Luật BHXH, từ 1/1/2018 sẽ có thêm một số đối tượng lao động phải đóng BHXH bắt buộc. Cụ thể, người làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. 

Đối với trường hợp đóng BHXH tự nguyện, trong số 243.000 người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay chỉ có khoảng 30% là đối tượng mới, 70% còn lại là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Từ 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Với người tham gia BHXH đóng theo phương thức một lần, số tiền hỗ trợ cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng năm đóng. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). (Thu Phương)