Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Quyết tâm vượt khó hoàn thành nhiệm vụ năm 2021

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và tác động trực tiếp đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).

Song đáng mừng là dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH.
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 6/9/2021, toàn ngành đã phát triển được gần 15 triệu người tham gia BHXH (chiếm 29,82% lực lượng lao động) và đạt 83,89% kế hoạch. Trong đó, BHXH bắt buộc có gần 13,7 triệu người tham gia; BHXH tự nguyện có hơn 1,18 triệu người tham gia và BHYT có hơn 85 triệu người tham gia, đạt 87,33% dân số.

Đáng chú ý, 16 BHXH tỉnh có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với cuối năm 2020; 33 BHXH tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng; 11 BHXH tỉnh có số người tham gia BHYT tăng so với cuối năm 2020. Đặc biệt có 9 tỉnh số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm hất nghiệp (BHTN) tăng so với năm 2020.

Chính sách BHTN đã trở thành điểm tựa giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước. Riêng trong tháng 8/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành LĐTB&XH giải quyết cho 61.914 người hưởng BHTN. Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước đã giải quyết cho 483.411 người hưởng BHTN. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã chi cho hơn 7,2 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT.

Lường trước khó khăn để có giải pháp phù hợp

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai, phương án thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN 4 tháng cuối năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các địa phương rà soát, điều tra, khai thác dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp theo quy định mới của BHXH Việt Nam; hướng dẫn, hỗ trợ người dân đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong thời gian dịch bệnh Covid-19…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam. Lúc này, phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một, đồng thời dự kiến các kịch bản, giải pháp để có thể sẵn sàng tăng tốc và bứt phá hoàn thành nhiệm vụ sau khi dịch bệnh được khống chế.
Để hoàn thành các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng tham gia, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị BHXH tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại kế hoạch, chương trình hành động của BHXH Việt Nam triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Chủ động, bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 để xây dựng giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ứng phó với dịch bệnh và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về BHXH, BHYT, BHTN được giao năm 2021. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trong những tháng cuối năm; phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động truyền thông trực tuyến, tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, DN, người lao động, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số, đảm bảo hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu đề ra.

“Mặt khác, cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thanh toán BHYT đối với các cơ sở y tế phi truyền thống. Đặc biệt, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm người đứng đầu, nhất là thái độ phục vụ người dân, người lao động trong giai đoạn hiện nay”- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nói.