Bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên: Nỗ lực tăng tỷ lệ tham gia

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2021 - 2022, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) phấn đấu thu hút 100% học sinh, sinh viên (HS, SV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) giúp thế hệ tương lai được tiếp cận, thụ hưởng những lợi ích từ hệ thống an sinh xã hội.

Hơn 97% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Lợi ích thiết thực

Những năm gần đây, số lượng HS, SV tham gia BHYT không ngừng gia tăng. Nếu như năm học 2016 - 2017, cả nước có 15,9 triệu HS, SV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,5%, thì đến thời điểm kết thúc năm học 2020 - 2021, cả nước có hơn 18 triệu HS, SV tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 97%, tăng hơn 1% so với năm học 2019-2020. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, kết quả này có được chủ yếu là nhờ chính sách BHYT được triển khai sâu, rộng, được Nhà nước và các địa phương quan tâm, hỗ trợ và đông đảo phụ huynh, học sinh hưởng ứng. Cụ thể, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT cho toàn bộ HS, SV. Còn các đối tượng HS, SV thuộc diện thụ hưởng chính sách người có công, bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số... được cấp thẻ BHYT miễn phí. Ngoài ra, một số địa phương còn có thêm chính sách đặc thù hỗ trợ thêm cho HS, SV khi tham gia BHYT.

Hàng năm, Quỹ BHYT đã thanh toán cho nhiều trường hợp khám chữa bệnh với chi phí điều trị lớn. Qua đó, giúp nhiều em vượt qua hoàn cảnh hiểm nghèo, có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt và giảm được gánh nặng tài chính cho gia đình. Từ đầu năm 2021 đến nay, người tham gia BHYT, trong đó có hơn 18 triệu HS, SV còn được thụ hưởng nhiều chính sách mới ưu việt hơn. Nổi bật là chính sách thông tuyến trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 1/1/2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.

Dù vậy, cả nước vẫn còn 3% HS, SV (gần 600.000 người) chưa tham gia. Điều này khiến một bộ phận giới trẻ và gia đình họ bị thiệt thòi.

Nhiều giải pháp nâng mức bao phủ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức thu BHYT HSSV trong năm học 2021 - 2022 có thể gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, BHXH Việt Nam đã xác định công tác BHYT HSSV cần phải được thực hiện với tinh thần chủ động, tích cực và linh hoạt hơn từ phía cơ quan BHXH. Theo đó, BHXH các tỉnh phối hợp với nhà trường tập trung phổ biến, truyền thông về công tác BHYT HSSV bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, cụ thể như: Tuyên truyền trực tiếp (gặp gỡ trực tiếp hoặc tổ chức hội nghị…); tuyên truyền gián tiếp (gửi tin nhắn qua điện thoại, qua ứng dụng VssID, tương tác qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hội nghị trực tuyến…

Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, trong năm học 2021 - 2022, ngành BHXH Thủ đô đang tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT đến đông đảo phụ huynh, HS, SV trên địa bàn TP. Trước thềm năm học mới, các cơ quan BHXH cử cán bộ phối hợp và hỗ trợ các nhà trường trong việc triển khai chính sách BHYT HS, SV...

Tại một số tỉnh khác, BHXH phối hợp với ngành giáo dục nắm chắc số HS không có khả năng tham gia BHYT vận động tổ chức, cá nhân (hội cha mẹ HS, DN, nhà hảo tâm trên địa bàn) hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các em… Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tăng cường triển khai cài đặt và sử dụng VssID cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS, SV và phụ huynh; phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho các em, đặc biệt là HS, SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Năm học mới đã đến, hy vọng các giải pháp đang triển khai sẽ động viên, khuyến khích 100% HS,SV tham gia BHYT, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai.